Quảng cáo ngoài trời, 'mỏ vàng' vẫn bị bỏ ngỏ
Quảng cáo ngoài trời là loại hình vừa mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời mang lại cả mỹ quan đô thị, nhưng hiện tại lĩnh vực này phát triển chưa xứng tầm, thậm chí vẫn bị 'bỏ ngỏ'. Nhiều ý kiến cho rằng, để hoạt động này đạt hiệu quả cần có những quy định rõ ràng hơn, thậm chí có thể gắn với Quy hoạch chung của Thủ đô đang được sửa đổi.
Vẫn khó quản lý
Trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội) hiện có 80 tuyến phố với nhiều khu vực kinh doanh sầm uất như: Xã Đàn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn và nhiều giao lộ có không gian lớn (khu vực ngã bảy Ô Chợ Dừa, Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, ngã ư Đại Cồ Việt - Lê Duẩn). Quận Đống Đa cũng là nơi đặt trụ sở hoạt động, kinh doanh của trên 5.000 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trên 12.000 hộ kinh doanh tập trung với mật độ cao các hoạt động quảng cáo, biển hiệu, quảng cáo rao vặt...
Với sự vào cuộc đồng bộ, sát sao của các cơ quan chức năng, 9 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng quận Đống Đa đã xử lý tháo dỡ nội dung 85 bảng quảng cáo; 695 biển dọc, biển “vẫy” sai phạm; bóc xóa 4.275m2 quảng cáo rao vặt in, dán, treo trên tường, thân cây, cột điện, cột đèn chiếu sáng, dây điện; cắt dỡ 1.938 băng rôn, phướn treo trên thân cây, cột điện, cột đèn chiếu sáng, cột tín hiệu giao thông, cửa hàng kinh doanh.
Còn tại quận Hoàn Kiếm, từ năm 2022 đến nay, toàn quận đã tổ chức 138 buổi kiểm tra, xử lý các vi phạm về biển hiệu, bảng quảng cáo vi phạm. Đã yêu cầu cơ sở tự chỉnh trang, buộc tháo dỡ các biển hiệu cũ nát được 658 biển hiệu, biển vẫy vi phạm; bóc, xóa 15.550 quảng cáo rao vặt và tháo dỡ 1.406 băng rôn, banner treo trên các gốc cây, cột điện…. Các đơn vị quảng cáo đã tự tháo dỡ 24 bảng quảng cáo sai kích thước, nội dung, hết thời hạn thông báo sản phẩm… UBND quận, phường đã xử phạt vi phạm hành chính 17 trường hợp đối với bảng quảng cáo, biển hiệu vi phạm với tổng số tiền 61.500.000 đồng.
Có thể nói, mặc dù chính quyền các địa phương đã “quyết liệt” nhưng “rác” quảng cáo ngoài trời vẫn tiếp tục tồn tại, điều này khiến đường phố Hà Nội nhếch nhác, mất mỹ quan. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ngoài các yếu tố khách quan như địa bàn rộng, lực lượng mỏng, khó quản lý… thì một phần rất lớn đến từ sự chậm chễ của các cơ quan chức năng trong việc xây dựng, ban hành các chế tài xử lý.
Theo bà Nguyễn Lan Anh, Giám đốc Công ty quảng cáo ADK, từ tháng 5/2021, Hà Nội đã tạm dừng chấp thuận nội dung thông báo giới thiệu sản phẩm trên biển quảng cáo tấm lớn. Chính vì vậy, có doanh nghiệp chấp hành dừng hoạt động quảng cáo tấm lớn, dẫn đến việc thiếu chăm sóc khiến biển bị bỏ trống, mất mỹ quan đường phố. Tuy vậy cũng có doanh nghiệp vì lợi ích kinh tế, hoặc vì vướng mắc hợp đồng đã ký kết, nên đành quảng cáo “chui”.
Đại diện một số doanh nghiệp làm quảng cáo trên địa bàn cũng chỉ ra rằng, sự chậm chễ đã dẫn đến tình trạng một số trụ, biển quảng cáo tấm lớn dù hết thời hạn kiểm định nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa tháo dỡ vì lo sẽ không được cấp phép xây dựng trở lại. Chưa kể, một số các quy định về hoạt động quảng cáo tấm nhỏ trong nội đô đã không còn phù hợp với điều kiện phát triển mới, các quy định cũ chưa cập nhật được các loại hình quảng cáo hiện đại như quảng cáo bảng điện tử, quảng cáo màn hình LED, nên gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc thực hiện các hoạt động quảng cáo. Thực trạng này đòi hỏi phải có giải pháp hiệu quả hơn trong xử lý vi phạm.
Tăng cường quản lý
Trước mắt, để khắc phục một số bất cập, đồng thời để phù hợp với quy định tại Luật Thủ đô sửa đổi đang xin ý kiến và trình Quốc hội phê duyệt, Sở Văn Hóa và Thể thao Hà Nội đã xin ý kiến các đơn vị để ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội, thay thế cho Quyết định 01/2016/QĐ-UBND của UBND Thành phố. Theo bản dự thảo quy chế mới, có rất nhiều điểm khác biệt, có sự thông thoáng hơn so với quy chế ban hành năm 2016.
Theo đó, dự thảo Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội có 3 Chương, 36 Điều. Trong đó có những nội dung quy định về khu vực không được phép quảng cáo và khu vực hạn chế quảng cáo.
Cụ thể, tại Quy chế năm 2016, khu vực hồ Hoàn Kiếm và bao quanh hồ, khu vực phố cổ… là những khu vực không được phép quảng cáo. Thì theo bản dự thảo quy chế mới, các khu vực này được cho phép quảng cáo trong giới hạn. Nơi đây được thực hiện quảng cáo của các cơ sở kinh doanh trực tiếp sản xuất, kinh doanh giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thay thế cho biển hiệu.
Theo đó, những khu vực không được quảng cáo gồm: Khu vực Quảng trường Ba Đình; các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, di tích có trong danh mục kiểm kê của thành phố, di tích cách mạng kháng chiến; trụ sở cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, doanh trại Quân đội, trụ sở Công an; đại sứ quán các nước; khu vực phạm vi hành lang an toàn đường bộ; đất của đường bộ khu vực ngoài đô thị; các tầng là nhà ở thuộc công trình cao tầng.
Khu vực hạn chế quảng cáo gồm: Khu vực phố cổ; trên mặt các hồ nước của thành phố. Trên thân các cột đèn chiếu sáng đô thị được thực hiện băng rôn dọc, bảng hộp đèn. Khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Quảng trường 19/8; Quảng trường 1/5; Trung tâm Hội nghị quốc gia; các quảng trường, công viên thuộc Thành phố và quận, huyện, thị xã; ngã 5 Cửa Nam... được thực hiện hình thức quảng cáo ứng dụng công nghệ hiện đại, văn minh, sử dụng ánh sáng điện, đèn điện tử.
Được biết, trong khi chờ Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội mới được ban hành, Hà Nội vẫn thực hiện quản lý và tổ chức hoạt động quảng cáo ngoài trời theo Quyết định 01/2016 và các văn bản quy định khác. Nhiều ý kiến cho rằng, cần xây dựng chiến lược, chính sách phát triển ngành quảng cáo trên địa bàn thành phố tầm nhìn trung và dài hạn, trong đó tập trung nghiên cứu, xây dựng các chính sách đặc thù phù hợp điều kiện kinh tế xã hội, đời sống văn hóa của thành phố để khai thác tối đa tiềm năng, thúc đẩy và phát triển ngành quảng cáo, nhất là quảng cáo ngoài trời.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/quang-cao-ngoai-troi-mo-vang-van-bi-bo-ngo-163634.html