Quảng cáo tranh cử của đảng Cộng hòa: Súng, súng và súng
Hình ảnh tràn ngập trong hơn 100 quảng cáo tranh cử từ đầu năm đến nay của ứng viên đảng Cộng hòa là súng, súng và súng. Trong khi đó, số ứng viên Dân chủ đề cập vấn đề này rất ít.
“Tôi tin vào chúa, súng và trẻ em”, bà Candace Taylor, một đảng viên Cộng hòa, tuyên bố trong một quảng cáo tranh cử vào chiếc ghế thống đốc bang Georgia.
Tại Nevada, quảng cáo của Dean Heller, ứng viên đảng Cộng hòa muốn chạy đua ghế thống đốc, có cảnh ông Heller khoe tài bắn súng của vợ. Và tại bang North Carolina, Ted Bud, ứng viên đảng Cộng hòa muốn vào Thượng viện Mỹ, tự hào nói trong quảng cáo tranh cử rằng mình sở hữu một trường bắn.
Khi nước Mỹ còn rúng động vì vụ xả súng ở một trường tiểu học tại bang Texas khiến 19 trẻ em và 2 giáo viên thiệt mạng, một công ty truyền thông đã rà soát các quảng cáo chính trị của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong những tháng đầu năm 2022.
Kết quả so sánh đã cho thấy chiếc hố sâu ngăn cách ở Mỹ, thể hiện qua việc thông điệp về súng đạn xuất hiện thường xuyên hơn rất nhiều trong quảng cáo tranh cử sơ bộ của các đảng viên Cộng hòa khi so sánh với đảng viên Dân chủ.
Súng, súng, súng
Từ tháng một tới hôm 24/5, chưa đầy 20 quảng cáo truyền hình của các ứng viên đảng Dân chủ cùng các nhóm liên quan có đề cập tới súng đạn hoặc cuộc chiến chống bạo lực súng đạn, theo công ty theo dõi quảng cáo AdImpact.
Nhưng hơn 100 quảng cáo truyền hình trong năm nay của ứng viên Cộng hòa và các nhóm ủng hộ đã nhắc đến súng hoặc dùng súng làm mô-típ hình ảnh.
Trong những quảng cáo ấy, các ứng viên Cộng hòa thường tự nhận mình là người “ủng hộ súng”, đề cao tu chính pháp thứ hai trong hiến pháp Mỹ (quyền được sở hữu súng - PV) hoặc cam kết sẽ ngăn chặn luật kiểm soát súng đạn.
Điều này làm nổi bật lên những lợi ích đối với đảng viên Cộng hòa và cả bất lợi đối với đảng viên Dân chủ khi ra tranh cử sơ bộ với lời hứa về súng đạn.
Các ứng viên sơ bộ của đảng Cộng hòa thường đua nhau tìm cách thể hiện lập trường bảo vệ các giá trị bảo thủ và một giải pháp đơn giản cho việc này là qua hình ảnh súng đạn.
“Về cơ bản, các ứng viên sơ bộ của đảng Cộng hòa sẽ cố giải thích rằng họ sẽ đứng về phía cử tri đảng Cộng hòa trong cuộc chiến tranh lạnh về văn hóa đang diễn ra trong lòng nước Mỹ”, ông Robert Blizzard, một chiến thuật gia đảng Cộng hòa, nói.
Ngược lại, ứng viên đảng Dân chủ thường ủng hộ kiểm soát súng đạn nhưng họ phải rất cẩn trọng khi đụng chạm tới vấn đề này. Nguyên nhân là việc nhắc tới kiểm soát súng đạn khi tranh cử có thể khiến cử tri nhớ ra rằng đảng viên Dân chủ từ lâu đã không có giải pháp đáng kể cho vấn đề này, dù họ đang kiểm soát Quốc hội Mỹ với lợi thế sát nút.
Chỉ vài giờ sau vụ xả súng ở Texas, các đảng viên Dân chủ ở Washington cam kết sẽ một lần nữa cố gắng đạt thỏa hiệp với đảng Cộng hòa về quy định kiểm soát súng đạn. Nhưng các thách thức lập tức xuất hiện và nhiều nhà lập pháp đảng Dân chủ phải thừa nhận rằng con đường phía trước không hề chắc chắn vì vấp phải sự phản đối của đảng Cộng hòa.
Cách tiếp cận khác nhau
Liệu thảm kịch ở Texas có thể làm thay đổi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới hay không và thay đổi tới mức nào còn là câu hỏi chưa có lời giải rõ ràng.
Một số ứng viên đảng Dân chủ, bao gồm Stacey Abrams, người sẽ tranh cử chiếc ghế thống đốc bang Georgia, đã bắt đầu lên kế hoạch để mô tả đối thủ Cộng hòa là những người theo chủ nghĩa cực đoan về quyền súng đạn.
Chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ tại Hạ viện cũng cam kết “sẽ nhắc cử tri nhớ rằng chúng ta sẽ tiếp tục đấu tranh để thông qua những nghị quyết mang lẽ thường tình trong khi đảng Cộng hòa thì không”.
Nhưng trước mắt, phía đảng Cộng hòa vẫn có nhiều hoạt động hơn trong vấn đề súng đạn. Trong gần như mọi cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa từ đầu năm tới nay, các ứng viên đều ráo riết thể hiện mình là người có quan hệ mật thiết với văn hóa súng đạn.
Quảng cáo của Josh Mandel, người vừa thua cuộc trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa vào Thượng viện Mỹ, dùng khẩu hiệu “Ủng hộ chúa, ủng hộ súng, ủng hộ Trump”.
Hoặc trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Ohio, cựu binh không quân J.R. Majewski đã cho chạy quảng cáo truyền hình có cảnh ông Majewski cầm súng trường. Ông nói “tôi sẵn sàng làm mọi thứ để khôi phục lại ánh hào quang cho đất nước này” rồi bóp cò.
Tại bang Pennsylvania, cả ông David McCormick, nguyên giám đốc điều hành quỹ tài chính, và Mehmet Oz, vị bác sĩ nổi tiếng của bang, đều muốn giành được sự yêu mến của cử tri với quảng cáo có cảnh họ bắn súng. Trong một quảng cáo, ông McCormick nói với người xem rằng bảo vệ tu chính pháp thứ hai là “cách để bảo vệ những điều khoản còn lại”.
Tương phản, rất ít ứng viên trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ chạy quảng cáo về kiểm soát súng đạn hoặc bạo lực súng đạn. Những quảng cáo này chủ yếu mô tả bạo lực súng đạn là vấn đề có tác động tới cá nhân và là điều thúc đẩy họ bước lên con đường chính trị.
Chẳng hạn, quảng cáo của ông John Fetterman, ứng viên đảng Dân chủ vào Thượng viện, cho biết ông bước vào chính trường để “ngăn chặn bạo lực” sau khi hai học sinh của mình bị bắn.
Vợ của Craig Greenberg, ứng viên của đảng Dân chủ cho vị trí thị trường thành phố Louisville, bang Kentucky, đã xuất hiện để kể lại lần ông Greenberg sống sót sau một vụ xả súng ngay trong văn phòng tranh cử hồi tháng 2.
Nhưng có lẽ không quảng cáo nào của đảng Dân chủ đề cập tới súng đạn với sự chân thực như của bà Lucy McBath, người tranh cử vào Hạ viện Mỹ tại Georgia.
Quảng cáo của bà McBath cũng như các nhóm ủng hộ khác nhấn mạnh những nỗ lực của bà nhằm ngăn chặn bạo lực súng đạn cũng như bi kịch của bà khi con trai bị bắn chết vào năm 2012.
Tối 24/5, khi bà McBath giành được đề cử của đảng Dân chủ để tranh cử vào Hạ viện Mỹ, bà McBath đã nói về nỗi đau mà những ông bố bà mẹ ở Uvalde đang phải trải qua.
“Chúng ta đã quá mệt mỏi”, bà nói. “Vì chúng ta không thể là nước duy nhất trên thế giới mà bi kịch được để cho xảy ra hết lần này tới lần khác”.