Quảng cáo trên mạng: Chưa qua tiểu học tự xưng chuyên gia, bác sĩ

Trong thời đại bùng nổ công nghệ, ai cũng có thể làm quảng cáo chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, nhưng không phải người nào cũng có kiến thức và sự am hiểu, giống như một số trường hợp chưa học hết tiểu học, không qua trường lớp đào tạo về y tế cũng tự xưng là bác sĩ, chuyên gia sức khỏe để bán thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng giả nhãn hiệu và kém chất lượng trên mạng.

Vấn nạn người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật

Mới đây trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam - cho biết, với sự bùng nổ về công nghệ thông tin thì ai cũng có thể trở thành những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs, KOC), quảng cáo hàng hóa chỉ với một chiếc điện thoại thông minh ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào mà không cần qua trường, lớp đào tạo.

Nhiều doanh nghiệp bán hàng giả, hàng kém chất lượng thường hướng tới việc thuê các KOLs, KOC để quảng cáo sản phẩm với thù lao "khủng" vì họ có lượng người hâm mộ và tương tác cao trên mạng xã hội, dễ dàng chuyển từ sự hâm mộ sang niềm tin đối với những sản phẩm mà họ giới thiệu.

Doanh nghiệp bán hàng giả, kém chất lượng hay thuê KOLs, KOC để quảng cáo sản phẩm vì họ có lượng người hâm mộ lớn nên dễ chuyển từ sự hâm mộ thành niềm tin với sản phẩm mà họ giới thiệu. Ảnh: Chụp màn hình.

Doanh nghiệp bán hàng giả, kém chất lượng hay thuê KOLs, KOC để quảng cáo sản phẩm vì họ có lượng người hâm mộ lớn nên dễ chuyển từ sự hâm mộ thành niềm tin với sản phẩm mà họ giới thiệu. Ảnh: Chụp màn hình.

Tuy nhiên, ông Sơn nêu vấn đề không phải ai cũng có kiến thức về sản phẩm mà họ quảng cáo trên mạng, giống như việc một số người chưa học hết tiểu học, không qua trường lớp đào tạo về y tế cũng tự xưng là bác sĩ, y sĩ để tư vấn bán thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng giả nhãn hiệu và kém chất lượng trên mạng.

Về pháp luật, không thể ngăn cản những người không có kiến thức đi quảng cáo thuốc hay thực phẩm chức năng kém chất lượng trên mạng, vì họ được quyền phát ngôn trên các nền tảng này. Nhưng nếu họ nói sai sự thật và gây hậu quả thì sẽ bị pháp luật xử lý, cộng đồng mạng tẩy chay.

Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng, việc các quảng cáo hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện tràn lan còn do người tiêu dùng hiện nay quá dễ dãi. Ông Sơn dẫn chứng vụ kẹo rau Kera của Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục và Thùy Tiên, khi người tiêu dùng mua kẹo rau về thấy không đúng như sự thật họ vẫn khá dửng dưng. Bởi lẽ, một hộp kẹo chỉ khoảng 150.000 đồng nên người mua nghĩ rằng không bõ đi kiện và thực tế người Việt cũng không có thói quen đi kiện vì mất công mất sức.

Theo ông Sơn, người tiêu dùng cần thay đổi tư duy về việc đòi hỏi quyền lợi chính đáng khi mua phải sản phẩm quảng cáo sai sự thật trên mạng bằng việc đi thưa kiện.

Hoa hậu Thùy Tiên quảng cáo kẹo rau Kera. Ảnh: Chụp màn hình.

Hoa hậu Thùy Tiên quảng cáo kẹo rau Kera. Ảnh: Chụp màn hình.

Hầu hết các mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube… là nền tảng xuyên biên giới, do đó việc can thiệp và xử lý các trường hợp quảng cáo sai sự thật và quảng cáo hàng giả vẫn còn nhiều thách thức. Việc này hiện nay chỉ có thể trông chờ vào cộng đồng mạng thông qua việc ấn nút báo cáo và bấm hủy theo dõi những người quảng cáo hàng giả, hàng kém chất lượng.

"Trước đó Bộ thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ra nghị định dưới luật để yêu cầu các nền tảng mạng xã hội giảm bớt những quảng cáo sai sự thật và quảng cáo hàng giả. Tuy nhiên, do đây chỉ là văn bản dưới luật nên chưa đủ sức để tác động tới các nền tảng. Vì thế, tại dự thảo luật sửa đổi sắp tới dự kiến đưa thêm yêu cầu về việc bất kể nền tảng xuyên biên giới nào hoạt động tại lãnh thổ Việt Nam thì đều phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam", ông Sơn nói.

Tăng nặng xử lý người sản xuất, bán hàng giả

Tối 4/4, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản - Chánh Văn phòng Bộ Công an - xác nhận, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với hai KOLs, KOC nổi tiếng là Hằng du mục, Quang Linh Vlogs do liên quan vụ án "Sản xuất hàng giả" và "Lừa dối khách hàng", xảy ra tại Công ty Asia Life và Công ty Chị em rọt xảy ra tại TPHCM và Đắk Lắk. Đây là 2 trong 5 cá nhân có vai trò chủ chốt trong hoạt động sản xuất, phân phối, quảng bá sản phẩm kẹo rau củ Kera - sản phẩm bị tố cáo thổi phồng công dụng, gây hiểu nhầm và lừa dối người tiêu dùng.

Trao đổi với PV Tiền Phong về chế tài, xử phạt vi phạm đối với hành vi sản xuất và bán hàng giả hiện nay, luật sư Hoàng Tuấn Vũ - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội - cho biết, mức phạt vi phạm hành chính với hành vi sản xuất hàng giả hiện hành rất thấp nếu so với số lợi bất hợp pháp thực tế mà các đối tượng sản xuất thu được. Mức phạt cao nhất là 200 triệu đồng đối với trường hợp sản xuất hàng giả “đặc biệt” về giá trị sử dụng, công dụng theo quy định tại Nghị định 98/2020 của Chính phủ. Trong khi đó, mức phạt thấp nhất chỉ là 500.000 đồng - mức phạt được cho là vô nghĩa và phi lý.

"Trên thực tế việc xác định số lợi bất hợp pháp thu được của người vi phạm để có thể định ra mức phạt luôn là một vấn đề mang tính chất tương đối, bởi việc thống kê số lượng hàng giả đã tuồn ra thị trường rất khó kiểm soát được một cách chính xác" - luật sư Vũ nói và kiến nghị giải pháp là cần tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này cao gấp 10 lần hiện hành.

Luật sư đề nghị tăng mức xử phạt vi phạm hành chính với người sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng cao gấp 10 lần hiện hành. Ảnh: Chụp màn hình.

Luật sư đề nghị tăng mức xử phạt vi phạm hành chính với người sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng cao gấp 10 lần hiện hành. Ảnh: Chụp màn hình.

Đại diện Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng cần triển khai các hệ thống công nghệ hiện đại để giám sát và theo dõi thị trường, giúp phát hiện và xử lý nhanh chóng các hành vi vi phạm trên mạng; tăng cường hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống hàng giả.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin như dùng tem chống giả QR code, RFID hoặc giải pháp xác thực điện tử để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra hàng hóa trên mạng.

Các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mình trong việc phòng, chống hàng giả, chủ động bảo vệ thương hiệu bằng cách đăng ký sở hữu trí tuệ, áp dụng các biện pháp bảo mật trong sản xuất và phân phối, hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý hành vi làm giả sản phẩm trên mạng.

Lộc Liên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/quang-cao-tren-mang-chua-qua-tieu-hoc-tu-xung-chuyen-gia-bac-si-post1731136.tpo