Quảng cáo trên môi trường mạng: quản lý trên mạng cũng phải như ngoài đời thực
Tình trạng quảng cáo sai sự thật, thổi phổng công dụng thật của sản phẩm … đang diễn ra tràn lan trên không gian mạng. Điều này không chỉ khiến người tiêu dùng mất niềm tin với thương mại điện tử mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi cũng như sức khỏe của họ.
Tràn lan quảng cáo “tâng bốc”
Trong vài năm trở lại đây, việc các cá nhân, thương hiệu sử dụng những nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube … để bán hàng, quảng bá sản phẩm đã dần trở nên phổ biến và là kênh mua bán quen thuộc của phần đông người tiêu dùng. Tuy nhiên mặt trái của tình trạng này là đã xuất hiện không ít các quảng cáo về sản phẩm không đúng sự thật, nói quá công dụng … gây mất niềm tin, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Minh chứng cho thực trạng này có thể dễ dàng nhận thấy khi xem những đoạn quảng cáo trên Youtube. Tại đó người xem có thể dễ dàng chứng kiến các video quảng bá cho những “thần y” có thể chữa cho mọi loại bệnh trên đời hoặc những loại thuốc dân gian nhưng triệt tiêu được gần như tất cả loại bệnh, kể cả ung thư giai đoạn cuối. Bên cạnh đó là tràn lan các loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc được tâng bốc như thần dược.
Đáng chú ý, nhiều thương hiệu còn lôi kéo cả người nổi tiếng vào cuộc nhằm “tâng bốc” sai sự thật về sản phẩm qua đó gia tăng thêm sự tin tưởng của người xem. Có thể kể đến như gần đây có Tiktoker Y.K khá nổi tiếng với mỗi clip có hàng trăm nghìn lượt xem đã thổi phồng cho dịch vụ truyền NAD+ có tác dụng “cải lão hoàn đồng”, “giúp trẻ ra hàng chục tuổi” với mỗi liệu trình lên tới 50 triệu đồng. Tuy nhiên đây đều là các quảng cáo trái phép khi Bộ Y tế chưa cho phép sản phẩm này được lưu hàng tại Việt Nam.
Hay như một Youtuber khá nổi tiếng hơn 2 triệu người theo dõi đã liên tục livestream nhằm quảng cáo cho một loại sữa tăng cân nhưng không hề có nhãn mác với giá rất rẻ so với sản phẩm cùng loại được lưu hành trên thị trường. Chỉ khi gặp nhiều ý kiến của người mua hàng về xuất xứ cũng như công dụng không như quảng cáo thì Youtuber này mới lên tiếng xin lỗi với lý do “không tìm hiểu rõ sản phẩm trước khi nhận quảng cáo”.
Theo chuyên gia truyền thông Lê Đình Long, nếu như trước đây các nhãn hàng quảng cáo sai sự thật tìm đến ca sỹ, diễn viên thì nay lại quay sang lôi kéo những người nổi tiếng trên mạng xã hội như Tiktok, Youtube nhằm đánh bóng quá đà cho sản phẩm của mình. Thực trạng này đang diễn ra phổ biến chứng tỏ rằng chiêu trò này đang rất hiệu quả.
Có thể nhận thấy, mỗi buổi livestream của những người nổi tiếng trên mạng thường có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người theo dõi. Và không ít trong số này sẵn sàng tin tưởng thần tượng của mình vô điều kiện khi bỏ tiền ra mua sản phẩm mà không cần truy xét cẩn thận về công dụng. Tất nhiên về phía người nổi tiếng, không phải ai cũng đủ tỉnh táo cũng như khả năng nhận biết về công dụng thật sự của sản phẩm mình đang quảng cáo. Chính những kẻ hở này đã và đang được các gian thương lợi dụng để trục lợi trên niềm tin và sức khỏe của người tiêu dùng.
Không chỉ dừng lại ở đó, môi trường mạng Việt Nam còn đang phải đối diện với nhiều “nan đề” quảng cáo như: cờ bạc, mại dâm, làm giả giấy tờ … Khi chúng xuất hiện nhan nhản trên website, mạng xã hội… với số lượng ngày càng tăng và chưa có dấu hiệu giảm sút.
Cũng chính từ đó đã nảy sinh vấn đề người dùng dễ dàng bị các quảng cáo “bẩn” dạng này thu thập dữ liệu cá nhân. Điều này rất đáng báo động nếu biết chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, số thông tin cá nhân của người dùng tại Việt Nam bị đánh cắp đã tăng 50% so với cùng kỳ.
“Nóng” tại nghị trường Quốc hội
Trong phiên chất vấn mới đây, Quốc hội đã đem ra “mổ xẻ” câu chuyện về sự tác động tiêu cực của quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng tới người tiêu dùng. Người đứng đầu ngành TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đưa ra nhiều giải pháp mang tính căn cơ nhằm hạn chế, tiến tới ngăn chặn tình trạng này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã tăng cường giám sát hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng. Có thể kể đến như phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật về rà quét, phát hiện các quảng cáo vi phạm pháp luật, trong đó tập trung vào các nền tảng mạng xã hội lớn, có nhiều vi phạm như: Facebook, Youtube… Và tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các nhãn hàng, các quảng cáo có nội dung vi phạm pháp luật. Cũng như tập trung đấu tranh với nền tảng xuyên biên giới để yêu cầu tuân thủ Luật pháp Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nêu rõ không gian mạng không khác gì không gian thực, nếu không gian thực có bộ, ngành, địa phương, thì không gian mạng cũng phải có bộ, ngành, địa phương. Chỉ khi nào việc của nhà nào, nhà đó thực hiện, ai làm gì trong thế giới thực, thì lên đó thực hiện công tác quản lý ở không gian mạng, thì không gian mạng mới lành mạnh được.
Đơn cử như câu chuyện về các cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là có yếu tố nước ngoài quảng cáo quá mức, thậm chí có bác sỹ gây hậu quả nghiêm trọng. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Y tế là cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ xác định cụ thể cơ sở y tế hành nghề tư nhân, phòng khám vi phạm và trên cơ sở kết luận của Bộ Y tế, Bộ TT&TT sẽ phối hợp cung cấp các thông tin về chủ thể, xác định những người thực hiện quảng cáo sai phạm trên mạng và giao cho Bộ Y tế để xử lý và trường hợp không xác định được danh tính thì Bộ TT&TT sẽ tổ chức ngăn chặn.
Trước tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân và lừa đảo thông qua các quảng cáo trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, có tình trạng nhà nhà thu thập thông tin cá nhân, mà không biết rằng thu thập thông tin cần xin phép, khi thu thập thông tin phải có hệ thống an toàn để bảo vệ thông tin không bị tấn công…
Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc phổ biến Luật An toàn thông tin, Luật An ninh mạng, trách nhiệm của người thu thập thông tin bảo vệ dữ liệu, sử dụng đúng quy định của pháp luật… là câu chuyện lớn. Năm 2023, 2024 Bộ TT&TT coi đây là trọng điểm, tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị dễ để xảy ra lộ lọt thông tin cá nhân. Bộ đã công bố những sai sót của các doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, để nhắc nhở các doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định của pháp luật.