Quang Hải và bài toán giữ chân bằng… tiền
Không tìm được tiếng nói chung về bản hợp đồng mới với câu lạc bộ Hà Nội, Nguyễn Quang Hải đã hướng đến việc ra nước ngoài chơi bóng.
GD&TĐ - Không tìm được tiếng nói chung về bản hợp đồng mới với câu lạc bộ Hà Nội, Nguyễn Quang Hải đã hướng đến việc ra nước ngoài chơi bóng.
Thử thách mới mở ra, và điều đó cũng đồng nghĩa có khả năng rủi ro cho tiền vệ sinh năm 1997.
Vướng mắc tiền lương!?
Tương lai Quang Hải đang là chủ đề nóng của truyền thông Việt Nam trong nửa đầu tháng 3. Theo tìm hiểu, câu lạc bộ Hà Nội đã đẩy nhanh quá trình đàm phán hợp đồng với Quang Hải khi anh trở về từ chiến thắng của đội tuyển quốc gia trước Trung Quốc tại vòng loại World Cup 2022.
Vấn đề càng khó lường hơn khi cầu thủ quê Đông Anh đã vắng mặt trong cuộc so tài giữa câu lạc bộ Hà Nội và câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh, trận đấu trong khuôn khổ vòng 4 V-League 2022.
Quang Hải đã trải qua 6 mùa V-League cùng chủ sân Hàng Đẫy, chơi 125 trận và ghi 34 bàn. Ở tuổi 24, anh đã giành mọi danh hiệu cấp câu lạc bộ như 3 lần vô địch V-League (2016, 2018, 2019), 2 Cup Quốc gia (2019, 2020), Siêu Cup và Quả bóng Vàng Việt Nam (2018). Anh cũng là nhân tố quan trọng của các cấp đội tuyển Việt Nam, giành á quân U23 châu Á năm 2018, AFF Cup 2018, Huy chương Vàng SEA Games 2019 và vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022.
Trong lần đàm phán gần nhất, câu lạc bộ Hà Nội đưa ra đề nghị là 4,5 tỷ đồng tiền lót tay/năm và khoảng 80 triệu đồng tiền lương/tháng. Nhưng phía Quang Hải muốn mức lương 400 triệu đồng/tháng cộng thêm số tiền lót tay 5 tỷ đồng/năm. Với mức của đội bóng Hà Nội, họ sẽ tiêu tốn khoảng 16,5 tỷ để đổi lại chữ ký của Quang Hải trong bản hợp đồng có thời hạn 3 năm. Còn nếu đáp ứng những con số từ phía Hải “con”, đội bóng Thủ đô sẽ phải trả gần 30 tỷ đồng nếu muốn cầu thủ này ở lại sân Hàng Đẫy.
Theo “đồn đoán”, số tiền 30 tỷ để giữ chân Quang Hải không phải là vấn đề với đội bóng Hà Nội. Nhưng lãnh đạo đội bóng Thủ đô đang lo ngại những hệ lụy liên quan đến việc chi tiền tấn chỉ để giữ chân một cầu thủ, cho dù đó là cầu thủ thuộc hàng VIP.
Trong quá khứ, câu lạc bộ Hà Nội rất ít khi đưa ra một đề nghị trên 2 tỷ đồng tiền lót tay/năm hợp đồng và 60 triệu đồng tiền lương trong một tháng. Hùng Dũng từng ký hợp đồng với lót tay chỉ 1 tỷ đồng/năm. Đình Trọng trước khi đến Bình Định nhận được một đề nghị chỉ 1,5 tỷ đồng/năm lót tay.
Nếu chấp nhận yêu sách của Quang Hải, 30 tỷ đồng cho 3 năm hợp đồng, đội bóng Hà Nội sẽ phải căng mình cho những hợp đồng khác cũng có nguy cơ leo thang về lương, lót tay. “Nỗi khổ” của đội bóng này là tuyến nào họ cũng sở hữu nội binh chất lượng, nhiều tuyển thủ quốc gia. Những Duy Mạnh, Hùng Dũng, Thành Chung, Văn Hậu… cũng có quyền đòi hỏi nâng cao chế độ mỗi khi gia hạn hợp đồng, nó sẽ phá vỡ cơ cấu lương, ngân sách hàng năm của đội bóng. Đây là điều mà lãnh đạo câu lạc bộ Hà Nội đang bế tắc, và đối mặt với nguy cơ mất trắng Quang Hải.
16,5 hay 30 tỷ đồng cho 3 năm hợp đồng là con số khủng khiếp, đủ để nuôi cả một câu lạc bộ với khoảng 30 con người trong cả một mùa giải. Nhưng Quang Hải và người đại diện cũng có lý do để đưa ra yêu cầu khủng về tài chính.
Ở góc độ chuyên môn, không thể đặt Hải “con” giống như một nội binh bình thường. Trình độ, tầm ảnh hưởng và giá trị thương hiệu của cầu thủ sinh năm 1997 đang ở mức như một ngoại binh chất lượng cao. Với tính chất “bắc cầu”, chi phí cho Quang Hải cũng phải ngang, thậm chí cao hơn mức chi cho một cầu thủ ngoại thuộc hàng sao ở V-League, có hợp đồng ước tính lên đến cả triệu đô la.
Từ những thông tin của truyền thông và mạng xã hội, có thể thấy vướng mắc giữa Quang Hải và câu lạc bộ Hà Nội không nằm ở chi phí lót tay. Mức lót tay 4,5 hay 5 tỷ đồng thì độ vênh 500 triệu không quá lớn. Hơn nữa, con số này cũng chấp nhận được bởi năm ngoái, câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An đã chi 10,5 tỷ đồng lót tay cho 3 năm hợp đồng với Phan Văn Đức. Mới đây, Đình Trọng rời Hà Nội đến Bình Định, phí lót tay không dưới 3 tỷ đồng/mùa. Quế Ngọc Hải được cho là nhận 3 tỷ lót tay/năm khi trở về khoác áo đội bóng xứ Nghệ.
Điều khoản khiến đội bóng Hà Nội và Quang Hải bế tắc đến mức không thể tìm được tiếng nói chung chính là tiền lương. Câu lạc bộ Hà Nội chỉ chấp nhận trả 80 triệu đồng/tháng, mức lương rất cao so với mặt bằng chung của V-League, trong khi Quang Hải theo thông tin là muốn 400 triệu đồng/tháng, cao gấp 5 lần mức đội bóng Hà Nội đưa ra. Vậy nếu suy diễn theo khả năng này, việc Quang Hải đòi mức lương cao ngất ngưởng, thậm chí là không tưởng phải chăng là dấu hiệu cho thấy cầu thủ này quyết tâm ra đi? Đòi hỏi lương rất cao chỉ là cái cớ!?
Trong khi đó, người đại diện của Quang Hải đã lên tiếng rằng, cho đến ngày 12/4, thân chủ của ông vẫn là người của câu lạc bộ Hà Nội. Mọi thứ vẫn đang trong vòng đàm phán, Quang Hải có quyền nhận đề nghị từ các câu lạc bộ khác và đang xem xét mọi khả năng. Tất cả các thông tin trên truyền thông, mạng xã hội trong các ngày qua đều thiếu chính xác và không có cơ sở gì hết!
Giải pháp xuất ngoại?
Tháng 3 đang đi đến những ngày cuối cùng. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy, Quang Hải sẽ ký hợp đồng mới với câu lạc bộ Hà Nội. Điều mà nhiều người quan tâm nhất lúc này là Quang Hải sẽ thi đấu cho đội bóng nào sau khi chia tay đội chủ sân Hàng Đẫy?
Câu lạc bộ Bình Định đang được coi là ứng cử viên số 1. Đội bóng đất Võ mang danh “PSG Việt Nam” đã chi tiêu mạnh tay để đưa về sân Quy Nhơn tới 13 tân binh rất chất lượng. Theo tiết lộ, để có thể sở hữu dàn ngôi sao này, trong đó có trung vệ Đình Trọng từ Hà Nội, Bình Định đã phải đầu tư cả trăm tỷ đồng. Mặc dù vậy, khả năng Quang Hải về sân Quy Nhơn cũng mới chỉ là phán đoán bởi Bình Định là đội bóng có tiền, chịu chi. Ngoài ra, nhiều nguồn tin cho rằng, cầu thủ mang áo số 19 đã có sự lựa chọn khác.
Người đại diện của Quang Hải đang tìm cơ hội để đưa cầu thủ xuất sắc nhất bóng đá Việt Nam ra nước ngoài thi đấu. Thực tế, Quang Hải nhận được rất nhiều lời đề nghị từ các câu lạc bộ Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Thái Lan hoặc đến từ châu Âu. Và nhiều khả năng, anh và người đại diện sẽ lắng nghe những đề nghị đó một cách nghiêm túc. Quang Hải từng chia sẻ, bản thân sẽ nhận rất nhiều tiền nếu tiếp tục ở lại thi đấu trong nước, nhưng anh muốn tìm thử thách ở một môi trường bóng đá cao hơn.
Khả năng xuất ngoại của Quang Hải có vẻ khá cao, bởi chính huấn luyện viên trưởng Nguyễn Đức Thắng của đội bóng Bình Định khuyên tiền vệ sinh năm 1997 nên ra nước ngoài thi đấu ở thời điểm thích hợp khi điều kiện cho phép.
“Tôi xin từ chối nói về chuyện hợp đồng của Quang Hải. Thực ra Hải là học trò cũ, và đến giờ thầy trò tôi vẫn thường xuyên nói chuyện với nhau. Cậu ấy nên ra nước ngoài thi đấu khi có cơ hội. Bản thân Hải cũng muốn ra nước ngoài và cậu ấy cũng nói với tôi như vậy. Ra nước ngoài thì tính chuyên nghiệp của cầu thủ Việt Nam mới được nâng cao” - ông Thắng chia sẻ.
Trên thực tế, không chỉ truyền thông Việt Nam, mà cả khu vực Đông Nam Á đều nhiều lần kêu gọi Quang Hải xuất ngoại chơi bóng để nâng cấp sự nghiệp và đẳng cấp chơi bóng của mình. Tuy nhiên, câu lạc bộ Hà Nội dường như chưa thật sẵn sàng cho khả năng này và tất cả các đề nghị chuyển nhượng Hải “con” đều chưa được xem xét nghiêm túc. Nhưng lần này sẽ khác khi Quang Hải trở thành cầu thủ tự do sau ngày 12/4 tới. Anh được quyền chủ động tìm kiếm bến đỗ mới phù hợp nhất với tài năng và mong muốn.
Theo nhiều chuyên gia, Quang Hải đủ khả năng chơi bóng ở các giải bóng đá hàng đầu châu Á, tuy nhiên việc xuất ngoại cần được xem xét nhiều yếu tố. Bình luận viên Vũ Quang Huy cho biết: “Tôi cho rằng, Quang Hải đủ khả năng chơi bóng ở một giải đấu mạnh của châu Á, phù hợp nhất là J-League của Nhật Bản. Nhưng cần thận trọng xem xét câu lạc bộ đó có cần Quang Hải thực sự hay không. Ngoài ra, Quang Hải cần có sự hỗ trợ để thích nghi, bắt nhịp với môi trường nước ngoài. Thực tế cầu thủ Việt Nam khi xuất ngoại thường bị sốc văn hóa, gặp nhiều khó khăn về ngoại ngữ, sự hòa nhập...”.
Trước Quang Hải, một cầu thủ khác của Hà Nội là Đoàn Văn Hậu từng xuất ngoại thi đấu. Nhưng trong một năm ở SC Heerenven của Hà Lan theo diện cho mượn, hậu vệ trái của Việt Nam ít được trao cơ hội.
Trở về Việt Nam, sau khi thi đấu một số trận cho đội bóng Hà Nội và đội tuyển quốc gia, ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022, Văn Hậu chấn thương, chưa xác định ngày trở lại. Ngoài ra, Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh… đều thất bại khi ra nước ngoài thi đấu. Hiện, bóng đá Việt Nam chỉ có Đặng Văn Lâm đang chơi bóng ở nước ngoài. Tuy nhiên, anh cũng đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh vị trí tại câu lạc bộ Cerezo Osaka (Nhật Bản).
Vậy nên, vấn đề cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu không còn là câu chuyện cũ nhưng vẫn rất thời sự. Tuy nhiên, việc ra nước ngoài thi đấu và có thành công hay không lại là một câu chuyện rất khác nhau. Quang Hải sẽ cập bến giải đấu nào khi các giải vô địch quốc gia châu Á đã khởi tranh, trong khi châu Âu cũng đi đến giai đoạn hạ màn và cần khoảng 3 - 4 tháng nữa mới trở lại mùa giải mới.
Ở lại Hà Nội vào phút chót, đến Bình Định, thậm chí có thể là Viettel hoặc xuất ngoại, chưa biết Quang Hải sẽ đi về đâu!? Và về đâu sau này không ai dám chắc tiền vệ sinh năm 1997 sẽ thành công và thăng hoa như giai đoạn vừa qua.
Theo cập nhật mới nhất của chuyên trang Transfermarkt (ngày 13/3), Quang Hải tăng giá 100 nghìn Euro để đạt mức 400 nghìn Euro (gần 10 tỷ đồng). Đây là lần đầu tiên tiền vệ sinh năm 1997 được Transfermarkt định giá cao đến vậy. Với mức giá 400 nghìn Euro, Quang Hải cùng với Hoàng Đức (Viettel) là hai cầu thủ đắt giá nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Hoàng Đức là đương kim Quả bóng Vàng Việt Nam, cầu thủ này tăng giá từ 200 nghìn Euro lên 400 nghìn Euro.