Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục 'đánh cược' niềm tin công chúng để trục lợi
Tiến sĩ tội phạm học, Thượng tá Đào Trung Hiếu nhận định Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục sẵn sàng 'đánh cược' niềm tin của công chúng để trục lợi.
Sự việc Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội lừa dối khách hàng gây xôn xao dư luận. Từ những hình ảnh giản dị, gần gũi và thiện nguyện từng tạo dựng được lòng tin từ hàng triệu người theo dõi, cả hai trở thành biểu tượng của một thế hệ sáng tạo nội dung sống ảo nhưng không thực.
Vụ việc không chỉ đặt ra dấu hỏi lớn về đạo đức nghề nghiệp của những người có sức ảnh hưởng, mà còn là lời cảnh báo nghiêm khắc về sự dễ dãi trong niềm tin của công chúng đối với các "ngôi sao mạng" thời đại số.

Cơ quan điều tra bắt tạm giam Quang Linh Vlogs. (Ảnh: VTV)
Cú sốc niềm tin
Trả lời phóng viên Báo Điện tử VTC News, Tiến sĩ tội phạm học, Thượng tá Đào Trung Hiếu nhận định, đây là vụ việc nghiêm trọng vì đối tượng thực hiện hành vi phạm tội là những người nổi tiếng, có ảnh hưởng rộng rãi trên mạng xã hội.
"Việc họ lợi dụng sức ảnh hưởng để đưa hàng giả ra thị trường khiến mức độ nguy hiểm của vụ việc gia tăng, gây tác động tiêu cực đến xã hội, đặc biệt là niềm tin của người tiêu dùng và giới trẻ. Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục sẵn sàng "đánh cược" niềm tin của công chúng để trục lợi", ông Hiếu nhấn mạnh.
Phân tích từ góc độ tội phạm học, Thượng tá Hiếu nhìn nhận, người nổi tiếng sở hữu lượng lớn người theo dõi, có "thương hiệu cá nhân" uy tín. Khi họ phạm tội, đặc biệt là các tội liên quan đến kinh tế như sản xuất hàng giả, hậu quả không chỉ là vật chất mà còn làm sai lệch chuẩn mực đạo đức xã hội.
Hành vi này dễ bị người trẻ nhìn nhận sai lệch, coi đó là "chiêu trò kinh doanh", chứ không phải hành vi vi phạm pháp luật.
Theo ông Hiếu, điều này là sự khác biệt mang tính nguy hiểm giữa việc phạm tội của người nổi tiếng so với các đối tượng thông thường.
Động cơ gây án của Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục là sự tổng hợp của 3 yếu tố: áp lực tài chính, danh tiếng và lỗ hổng pháp lý
Thượng tá Đào Trung Hiếu
Đánh giá động cơ gây án của Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục, Thượng tá Đào Trung Hiếu cho rằng đó là sự tổng hợp của 3 yếu tố: áp lực tài chính, danh tiếng và lỗ hổng pháp lý.
"Khi mức độ nổi tiếng tăng lên, nhu cầu duy trì hào quang, đáp ứng kỳ vọng từ công chúng khiến nhiều người rơi vào áp lực tài chính và danh tiếng. Cộng với việc pháp luật vẫn còn lỗ hổng trong kiểm tra, giám sát hàng hóa trên nền tảng số, một số cá nhân đã chọn con đường "ngắn" - bất chấp pháp luật để thu lợi", ông Hiếu nêu quan điểm.
Hành vi vi phạm pháp luật của Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục gây ra nhiều hệ lụy và hai đối tượng sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm minh, song ông Hiếu bày tỏ lo ngại, sự việc sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người hâm mộ và cộng đồng mạng - đặc biệt là giới trẻ.
Giới trẻ vốn nhìn thần tượng như hình mẫu lý tưởng để noi theo. Khi "thần tượng ngã ngựa", họ dễ rơi vào trạng thái hoài nghi, mất phương hướng, thậm chí vỡ mộng. Niềm tin xã hội bị tổn thương sâu sắc, kéo theo tâm lý bất mãn, mất niềm tin vào các giá trị đạo đức - pháp luật.
"Hơn nữa, Quang Linh Vlogs từng có nhiều hoạt động thiện nguyện, truyền cảm hứng tại châu Phi lại đứng sau những hành vi vi phạm pháp luật, nó tạo ra một cú sốc niềm tin. Hậu quả là công chúng trở nên nghi ngờ cả những cá nhân đang hoạt động tử tế. Tổn thương đó làm lung lay nền tảng đạo đức, đe dọa sự minh bạch trong xã hội", Thượng tá Đào Trung Hiếu nói.
Cái giá phải trả khi quảng cáo lố thấp hơn lợi ích thu được
Ở một góc độ khác, TS Đào Trung Hiếu nêu thực tế, hiện nay, nhiều sản phẩm được bán, quảng bá trên mạng xã hội mà không qua kiểm định chất lượng, không có hồ sơ công bố sản phẩm.
Quản lý Nhà nước chưa theo kịp tốc độ phát triển của thương mại điện tử và kinh tế số. Ngoài ra, vai trò của các nền tảng như TikTok, YouTube trong việc kiểm soát nội dung thương mại vẫn còn hạn chế.
"Thêm vào đó chế tài pháp luật hiện nay chưa đủ sức răn đe đối với các trường hợp quảng cáo sai sự thật. Mức xử phạt hành chính còn nhẹ, nhiều trường hợp vi phạm chưa bị xử lý hình sự, hoặc xử lý chưa đủ nghiêm. Đối với các KOLs (người có sức ảnh hưởng), giá trị thương hiệu cá nhân rất lớn, nếu không có chế tài đủ mạnh, họ sẵn sàng "đánh cược" bằng niềm tin công chúng để trục lợi, vì cái giá phải trả còn thấp hơn lợi ích thu được", Thượng tá Hiếu lưu ý.
Từ thực tế này, ông Hiếu kiến nghị cần có cơ chế phối hợp giữa Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng các nền tảng mạng xã hội trong việc kiểm duyệt nội dung quảng cáo - sản phẩm.
Các KOLs nên có mã số quản lý, chịu trách nhiệm pháp lý về sản phẩm họ giới thiệu. Đồng thời, thiết lập kênh tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng để giám sát kịp thời.
"Một công tác cũng cần được triển khai là đưa nội dung phổ biến pháp luật vào các chương trình đào tạo, định hướng nghề nghiệp cho các KOLs. Ngoài ra, chính các nền tảng mạng xã hội cũng cần yêu cầu người dùng có lượng theo dõi lớn phải tuân thủ các khóa học về đạo đức nghề nghiệp, luật quảng cáo, trách nhiệm hình sự", Thượng tá Đào Trung Hiếu nói.
Cũng theo vị chuyên gia, cộng đồng mạng cũng cần nâng cao cảnh giác, không dễ dãi đặt niềm tin tuyệt đối vào "hào quang ảo". Thực tế, nhiều người vì tin tưởng "thần tượng" mà không đặt ra câu hỏi về sản phẩm, khiến quá trình phát hiện vi phạm bị chậm trễ hoặc bị che khuất bởi các chiêu trò truyền thông.
Ngày 3/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Sản xuất hàng giả là thực phẩm và Lừa dối khách hàng" xảy ra tại TP.HCM và Đắk Lắk.
Cơ quan CSĐT cũng ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs), thành viên HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Chị Em Rọt; Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Chị Em Rọt và 3 bị can khác.
Tối 4/4, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành quyết định về việc thôi Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029 đối với ông Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs), người Việt Nam ở Angola.