Quảng Nam bỏ tên xã, phường đánh số thứ tự theo nguyện vong nhân dân

Lắng nghe tiếng nói của người dân, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã có quyết định điều chỉnh tên gọi sau sáp nhập của các xã được đánh số sang gắn với các yếu tố lịch sử, truyền thống và văn hóa đặc trưng của từng địa phương.

Ngày 21/4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam khóa XXII đã ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh tên gọi đơn vị hành chính cấp xã mới.

Theo đó, toàn tỉnh Quảng Nam có 88 xã, phường và thị trấn được sáp nhập hoặc đổi tên. Các đơn vị sau khi sáp nhập sẽ mang tên gọi mới mang tính bao quát, thuận tiện cho quản lý và phản ánh rõ đặc điểm địa phương.

Lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ người dân, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã quyết định điều chỉnh tên gọi các xã sau sáp nhập – thay vì đánh số thứ tự đơn thuần, các đơn vị hành chính mới sẽ mang tên gắn liền với lịch sử, truyền thống và bản sắc văn hóa riêng của từng địa phương.

Lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ người dân, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã quyết định điều chỉnh tên gọi các xã sau sáp nhập – thay vì đánh số thứ tự đơn thuần, các đơn vị hành chính mới sẽ mang tên gắn liền với lịch sử, truyền thống và bản sắc văn hóa riêng của từng địa phương.

Tại huyện Núi Thành: Các xã Tam Quang, Tam Nghĩa được sáp nhập thành xã Chu Lai; Tam Hiệp, Tam Giang, thị trấn Núi Thành hợp nhất thành xã Núi Thành; xã Tam Mỹ Đông, xã Tam Mỹ Tây, xã Tam Trà, hợp nhất thành xã Tam Mỹ; xã Tam Hòa, xã Tam Anh Bắc, xã Tam Anh Nam hợp nhất thành xã Tam Anh; xã Tam Sơn, xã Tam Thạnh hợp nhất thành xã Đức Phú; XÃ Tam Xuân 1, xã Tam Xuân 2, xã Tam Tiến hợp nhất thành xã Tam Xuân, xã Tam Hải giữ nguyên.

Tại thành phố Tam Kỳ: Các phường An Mỹ, An Xuân, Trường Xuân sáp nhập thành phường Tam Kỳ; xã Tam Thanh, xã Tam Phú, phường An Phú sáp nhập thành phường Quảng Phú; phường An Sơn, phường Hòa Hương, xã Tam Ngọc hợp nhất thành phường Hương Trà; phường Tân Thạnh, phường Hòa Thuận, xã Tam Thăng hợp nhất thành phường Bàn Thạch.

Tại Hội An: Các phường Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong, Cẩm Nam, xã Cẩm Kim hợp nhất thành phường Hội An; phường Cẩm Châu, phường Cửa Đại, xã Cẩm Thanh hợp nhất thành phường Thanh Châu; xã Cẩm Hà, phường Thanh Hà, phường Tân An, phường Cẩm An hợp nhất thành phường Thanh Hà; xã Tân Hiệp giữ nguyên.

Không chỉ ở khu vực đô thị, nhiều huyện miền núi như Nam Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Tiên Phước... cũng tiến hành sáp nhập các xã nhỏ lẻ, khó khăn trong quản lý và phân bổ nguồn lực. Tên gọi sau sáp nhập của các xã được gắn với các yếu tố lịch sử, truyền thống và văn hóa đặc trưng của từng địa phương.

Theo Nghị quyết, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam được giao tổ chức lấy ý kiến nhân dân và hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng nhân dân tỉnh vào ngày 26/4. Dự kiến, toàn bộ hồ sơ sẽ được gửi lên Chính phủ để xem xét phê duyệt trước ngày 1/5/2025.

Các cấp ủy, chính quyền địa phương và đơn vị liên quan được yêu cầu nhanh chóng cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao, đảm bảo chất lượng và tiến độ thực hiện theo đúng kế hoạch.

Trước đó, vào ngày 18/4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam khóa XXII đã thống nhất thông qua nội dung chính của một loạt đề án quan trọng. Trong đó bao gồm: Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Nam; Đề án hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng; Đề án kết thúc hoạt động của đảng bộ cấp huyện sau khi không còn tổ chức hành chính tương ứng; và Đề án thành lập tổ chức đảng theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Theo kế hoạch, toàn tỉnh sẽ sắp xếp lại 233 xã, phường, thị trấn, giảm còn 88 đơn vị hành chính cấp xã.

Về phương án đặt tên các đơn vị hành chính mới sau sắp xếp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề xuất trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phương án tên gọi theo nguyên tắc kết hợp tên địa phương cấp huyện/thị xã kèm theo số thứ tự (ví dụ: "Tam Kỳ 1", "Tam Kỳ 2"…).

Tuy nhiên, trong quá trình lấy ý kiến cử tri tại các địa phương, nhiều người dân bày tỏ mong muốn tên gọi của xã, phường sau sắp xếp cần gắn với các yếu tố lịch sử, truyền thống và văn hóa đặc trưng của từng địa phương.

Trước phản hồi này, sáng 20/4, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn, yêu cầu rà soát và đề xuất lại phương án tên gọi cho phù hợp với nguyện vọng nhân dân.

Việc sáp nhập và điều chỉnh tên gọi các đơn vị hành chính không đơn thuần là đổi tên, mà nhằm tinh gọn đầu mối, tối ưu hóa việc sử dụng ngân sách và nhân lực. Các xã, phường sau khi sáp nhập sẽ có quy mô dân số và diện tích lớn hơn, thuận tiện hơn trong việc triển khai các chính sách phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, đây cũng là bước chuẩn bị cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, bản đồ hành chính và quy hoạch tổng thể của tỉnh trong giai đoạn 2026–2030.

Nguyễn Duy Cường

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/quang-nam-bo-ten-xa-phuong-danh-so-thu-tu-theo-nguyen-vong-nhan-dan-204250421162610563.htm