Quảng Nam cần tập trung phát triển công nghiệp cơ khí - ôtô
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng Quảng Nam cần giải pháp phát huy tối đa lợi thế để có bước phát triển mới về công nghiệp.
Ngày 12/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc với sự tham gia của 347 đại biểu đại diện cho 69.111 đảng viên trong toàn Đảng bộ về tham dự Đại hội.
Trở thành tỉnh phát triển khá vào năm 2030
Phát biểu khai mạc Đại hội, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, cho biết nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đề ra.
"Năm năm qua, dù gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, đoàn kết một lòng, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu hoàn thành khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã đề ra", ông Cường nói.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho hay những thành tựu giai đoạn 2015-2020 là nền tảng quan trọng để Quảng Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.
Về nhiệm vụ của Đại hội và những năm tới, ông Cường nêu rõ phương châm "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển".
Bí thư Quảng Nam nhìn nhận ngoài những thành tích còn có hạn chế, yếu kém để rút ra bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo.
"Tự hào là vùng đất địa linh nhân kiệt - nơi sản sinh nhiều người con ưu tú cho đất nước - Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam nhất định thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030”, ông Cường nhấn mạnh.
Ông Trần Văn Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nêu 4 giải pháp để đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Một là cơ cấu lại thu, chi ngân sách, huy động và nâng cao hiệu quả phân bổ, sử dụng các nguồn lực. Hai là nâng cao chất lượng tăng trưởng, cơ cấu nền kinh tế theo hướng gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ba là hỗ trợ để phát triển kinh tế tư nhân theo hướng áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thứ tư là thiết lập hệ thống công cụ ứng dụng, chuyển đổi số để phục vụ cơ cấu lại nền kinh tế trong trạng thái mới.
Đổi mới tư duy để phát triển
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương, biểu dương và đánh giá cao thành tựu của Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Bà Mai vui mừng khi kinh tế Quảng Nam tiếp tục tăng trưởng khá, các chỉ tiêu đạt và vượt, tốc độ tăng trưởng đạt 9,53%, nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao trong cả nước.
Tuy nhiên, bà cho rằng địa phương còn có những khuyết điểm và đề nghị đại biểu thảo luận, phân tích để nhận thức đầy đủ nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm; từ đó bàn và quyết định những chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp sát thực.
Bà Trương Thị Mai đề nghị Đại hội quan tâm thảo luận, quyết định các vấn đề trọng tâm, trên các lĩnh vực công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
"Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đối với hệ thống chính trị, trọng tâm là xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, quản lý có hiệu lực, hiệu quả cao", bà nhấn mạnh và đề nghị Đảng bộ Quảng Nam đổi mới tư duy tập trung phát huy tối đa lợi thế của địa phương để tạo ra được bước phát triển mới về công nghiệp. Trong đó, trọng tâm là công nghiệp cơ khí - ôtô, ưu tiên phát triển công nghệ cao, công nghiệp sạch, các ngành, lĩnh vực, sản phẩm, đi liền với kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm môi trường.
Theo Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Quảng Nam cần phát triển văn hóa đồng bộ với tăng trưởng kinh tế để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội. Đi cùng với đó là tập trung thu hẹp khoảng cách phát triển vùng miền núi so với khu vực đồng bằng, trọng tâm là thực hiện giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh nhiệm vụ giải quyết đất sản xuất, nhà ở, hỗ trợ sản xuất, nâng cao dân trí…
Tỉnh cũng cần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, chăm lo đời sống các đối tượng chính sách cho đến người dân bị giải tỏa, thu hồi đất phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị và công nhân, người lao động có thu nhập thấp ở các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Một số chỉ tiêu phát triển quan trọng của tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Về kinh tế:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm 7,5-8%.
- GRDP đầu người đến năm 2025 đạt 110-113 triệu đồng.
- Số lượt khách du lịch đến năm 2025 đạt 12 triệu lượt khách.
- Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng 35,8-36%; dịch vụ 37,2-37,3%; nông - lâm nghiệp - thủy sản 9,3-9,5%. Đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp - xây dựng 35,5%; dịch vụ 37%; nông - lâm nghiệp - thủy sản đạt 8,1%...
Về xã hội:
- Đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 2,87%.
- Đến năm 2025 có 160 xã (80%) xã đạt chuẩn nông thôn mới.
- Năng suất lao động xã hội bình quân 188-192 triệu đồng/lao động/năm.
Về môi trường:
- Đến năm 2025 tỷ lệ che phủ rừng đạt 61%.
- Năm 2025 tỷ lệ dân đô thị được sử dụng nước sạch đạt 90%.