Quảng Nam chỉ đạo khẩn trương điều tra vụ phá rừng Báo Người Lao Động phản ánh

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu kiểm tra, làm rõ và xử lý trách nhiệm của chủ rừng, các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định.

Ngày 16-7, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn yêu cầu khẩn trương điều tra, xử lý vụ phá rừng tại khoảnh 5, tiểu khu 329, xã Cà Dy, huyện Nam Giang.

14 cây gỗ cổ thụ bị lâm tặc chặt hạ trong thời gian dài

14 cây gỗ cổ thụ bị lâm tặc chặt hạ trong thời gian dài

Theo công văn, ngày 11-7, Báo Người Lao động có bài viết "Phát hiện vụ phá rừng rất nghiêm trọng tại Quảng Nam", qua kiểm tra bước đầu của Chi cục Kiểm lâm, phát hiện tại khoảnh 5, Tiểu khu 329 có 14 cây gỗ bị khai thác trái pháp luật, khối lượng gỗ còn tại hiện trường hơn 95,7 m3.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Giang khẩn trương tiếp nhận hồ sơ vi phạm và điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm đối với vụ phá rừng nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.

Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Nam Giang chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Giang trong việc điều tra, xác minh, hoàn thiện hồ sơ vụ án để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Theo nhận định của UBND xã Cà Dy thì rừng đã bị phá khoảng 2-3 năm trước

Theo nhận định của UBND xã Cà Dy thì rừng đã bị phá khoảng 2-3 năm trước

Bên cạnh đó, kiểm tra, làm rõ và xử lý trách nhiệm của chủ rừng, các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định…

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, cuối tháng 4 vừa qua, UBND xã Cà Dy phát hiện khu rừng gỗ nghiến tại khoảnh 5, Tiểu khu 329 có 14 cây gỗ bị khai thác trái pháp luật. Đây là những cây gỗ cổ thụ, có tuổi đời cả trăm năm.

Nghiến là loại gỗ thuộc nhóm IIA (danh mục nguy cấp, quý, hiếm), chặt hạ từ 5 m3 gỗ trở lên đã có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong vụ phá rừng này, khối lượng gỗ bị chặt hạ lên tới hơn 95 m3, cho thấy mức độ rừng bị phá hết sức nghiêm trọng.

Theo nhận định của UBND xã Cà Dy thì khu rừng bị phá khoảng 2-3 năm trước. Khi được hỏi vì sao để rừng bị phá trong thời gian dài mà lực lượng kiểm lâm không phát hiện, ông Lê Tấn Can, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Giang, cho hay ông mới được luân chuyển về làm Hạt trưởng hơn 6 tháng nên không nắm.

Ông Nguyễn Văn Phi, Chủ tịch UBND xã Cà Dy, cho biết khu vực rừng bị phá trước đây thuộc quản lý của Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Giang.

Tháng 5-2023, rừng được đưa về UBND xã quản lý và được giao cho cộng đồng thôn Pà Dá quản lý, bảo vệ theo Nghị quyết 120 của Quốc hội. Ông Phi cũng cho hay mới về nhận nhiệm vụ tại địa phương từ tháng 5-2023, cùng thời điểm rừng được giao về cho xã.

Ngoài vụ phá rừng trên, tháng 1-2024, lực lượng chức năng cũng phát hiện 4 cây gỗ nghiến cổ thụ với đường kính gốc từ 70 cm đến 1,95 m bị lâm tặc cưa hạ bằng máy cưa xăng. Căn cứ vào nhựa của gốc chặt và các cây bụi, dây leo xung quanh gốc chặt, các ngành chức năng nhận định 4 cây gỗ trên khai thác cùng thời điểm, thời gian khai thác khoảng tháng 9, 10-2023.

Trần Thường

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/quang-nam-chi-dao-khan-truong-dieu-tra-vu-pha-rung-bao-nguoi-lao-dong-phan-anh-196240716152743725.htm