Quảng Nam: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng chậm

6 tháng đầu năm 2019, Quảng Nam tiếp tục có những chuyển biến tích cực trong sản xuất công nghiệp song kết quả cho thấy mức tăng trưởng kinh tế không tăng cao so với cùng kỳ, một nguyên nhân chính là do ngành sản xuất và phân phối điện sụt giảm mạnh.

Theo số liệu của Sở Công Thương Quảng Nam, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt trên 33,8 nghìn tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 6,21% so với cùng kỳ năm 2018 . Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 tăng 5,63% so cùng kỳ năm trước. Kết quả cho thấy mức tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2019 tỉnh Quảng Nam duy trì mức độ tăng không cao như cả năm 2018 (+8,1%).

Nguyên nhân chính là do ngành sản xuất và phân phối điện giảm 19,66% làm cho chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng không cao. Tuy trong tháng 5 ngành điện sản xuất đã hồi phục trở lại so với cùng kỳ năm trước nhưng sản lượng từ đầu năm đến nay vẫn sụt giảm do lưu lượng trung bình nước về hồ còn rất thấp nên các nhà máy chủ yếu vận hành theo kế hoạch điều động của Trung tâm điều độ quốc gia.

Ngành sản xuất và phân phối điện giảm làm cho chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp Quảng Nam tăng không cao so với cùng kỳ

Ngành sản xuất và phân phối điện giảm làm cho chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp Quảng Nam tăng không cao so với cùng kỳ

Trong khi đó, các chỉ số tăng chủ yếu ở ba nhóm ngành lớn là công nghiệp khai khoáng tăng 68,76%, ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 41,09% và công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 6,49%. Cụ thể: than đá loại khác tăng 21,773%, ước đạt 83,7 nghìn tấn; bia đóng chai tăng 30,71%, ước đạt 48,65 triệu lít; nước ngọt tăng 21,1%, ước đạt 103,38 triệu lít; giày dép thể thao tăng 24,06%, ước đạt 1.667,2 nghìn đôi; vỏ bào, dăm gỗ tăng 52,83%, đạt 524,7 nghìn tấn; xe ô tô các loại tăng 16,18%, ước đạt 48.946 chiếc; sợi chỉ tơ dai bằng poliamit và polyeste tăng 20,54%, ước đạt 1.109 tấn…..

Nhằm ổn định tình hình sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, Sở Công Thương Quảng Nam đã đưa ra một số giải pháp cho giai đoạn cuối năm 2019. Trong đó, tiếp tục triển khai Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025; huy động nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển công nghiệp, nhất là các khu, cụm công nghiệp thuộc phạm vi chức năng quản lý.

Ngoài ra, tập trung thu hút, phát triển ba nhóm ngành công nghiệp: Chế biến, chế tạo; điện tử và viễn thông; năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Ưu tiên thu hút dự án công nghệ cao, dự án công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp mũi nhọn, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, tạo giá trị gia tăng cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Phát triển các nhóm ngành chủ lực có lợi thế như: Sản xuất và lắp ráp ô tô; dệt may - da giày; chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm, thức uống....

Đáng chú ý, đơn vị sẽ tập trung theo dõi, kiểm tra và quản lý việc thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016-2025 trong đó tham mưu, đôn đốc thực hiện các chương trình, dự án điện; quản lý kỹ thuật an toàn, giám sát điện năng và quản lý chất lượng công trình điện. Đảm bảo công tác sản xuất và phân phối điện góp phần đưa chỉ số công nghiệp của địa phương tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội.

Thành Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-nam-chi-so-san-xuat-cong-nghiep-tang-cham-122375.html