Quảng Nam chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ

Trong những ngày qua, trước tình hình mưa, lũ diễn biến phức tạp, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai công tác ứng phó, hỗ trợ nhân dân di chuyển người, tài sản đến nơi an toàn, tìm kiếm ngư dân mất tích trên biển...

Bảo đảm an toàn tính mạng nhân dân

Những ngày qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có mưa rất to khiến một số khu vực bờ biển, tuyến đường giao thông bị sạt lở, nhiều khu vực thấp trũng bị ngập sâu. Tại khu vực bờ biển phường Cẩm An (TP Hội An, Quảng Nam) mưa lũ, triều cường và sóng biển mạnh đã gây sạt lở sâu vào đất liền gần 15m, với chiều dài 500m. Ông Đinh Dũng, Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) phường Cẩm An, thông tin: “Tại khu vực này thường xuyên có 6 hộ gia đình sinh sống. Trước khi sạt lở, địa phương đã tổ chức các lực lượng đến từng nhà tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các gia đình trong khu vực di chuyển đến nơi ở an toàn nên không có thiệt hại”.

Để bảo đảm an toàn tính mạng nhân dân tại các vùng thấp trũng, ngập sâu, các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương đã chủ động huy động các lực lượng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ di dời, sơ tán nhân dân đến khu vực an toàn. Thượng tá Mai Đình Đức, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Phú Ninh, cho biết: “Trên địa bàn huyện có 2 xã Tam An và Tam Đàn bị ngập lụt nặng. Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã huy động Tiểu đội Dân quân thường trực xã Tam Đàn phối hợp với các lực lượng của địa phương sơ tán, di dời 18 hộ dân, với 27 nhân khẩu (chủ yếu là người già, người tàn tật, trẻ em) của thôn Đàn Long (xã Tam Đàn) về Nhà văn hóa xã Tam Đàn để bảo đảm an toàn.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Nam, hiện toàn tỉnh đã tổ chức di dời, sơ tán xen ghép 150 hộ dân, với 361 nhân khẩu nằm trong vùng ngập lụt, nguy cơ sạt lở. Trong đó, huyện Tây Giang di dời 5 hộ tại thôn Arooi (xã Gari) và thôn Kxeeng (xã Dang) nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao; huyện Đông Giang di dời 4 hộ tại xã Ba và Tà Lu ở vùng sạt lở; TP Tam Kỳ sơ tán 59 hộ tại Tam Thăng, Hòa Thuận, An Xuân, Phước Hòa do ngập lụt; huyện Phú Ninh sơ tán 82 hộ (tại xã Tam An và Tam Đàn) do ngập lụt.

Nhằm chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ, chiều 17-10, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công điện số 07/CĐ-UBND. Theo đó UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương, sở, ngành chủ động các biện pháp ứng phó, có phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản của nhân dân vùng ven biển, cửa sông, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản; người, phương tiện, thiết bị, vật tư tại công trình tại các công trình; trường hợp không bảo đảm an toàn phải tổ chức di dời công nhân, phương tiện thi công đến nơi an toàn; tổ chức kiểm tra, thực hiện đầy đủ biện pháp neo giằng, hạ thấp, bảo đảm an toàn đối với công trình có sử dụng cần trục tháp, vận thăng, thang máy…

Huy động các lực lượng tìm kiếm ngư dân mất tích

Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Hiện có 2 tàu cá gồm QNa 90129 TS và QNa 90927 TS bị lốc xoáy, sóng đánh chìm trên biển.

Cụ thể, vào lúc lúc 1 giờ ngày 17-10, tàu cá QNa 90927 TS, do ông Trần Công Trường (sinh 1981, xã Tam Giang, huyện Núi Thành) làm thuyền trưởng, hành nghề câu mực, trên tàu có 39 lao động. Tàu đang hoạt động cách bờ biển TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định khoảng 240 hải lý về hướng Đông Đông Nam, cách đảo Song Tử Tây khoảng 135 hải lý về hướng Bắc Tây Bắc, thì bị sóng đánh chìm. Tàu cá QNa 91782 TS hoạt động gần đó đã vớt được 38 thuyền viên trên tàu cá QNa 90927 TS. Hiện còn ngư dân Nguyễn Duy Định (sinh năm 1960, thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành) mất tích. Tàu QNa 91782 TS đang tổ chức tìm kiếm và kêu gọi các tàu cá hoạt động gần đó hỗ trợ tìm kiếm thuyền viên mất tích.

 Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và chỉ huy các đơn vị triển khai phương án tìm kiếm nạn nhân mất tích tại Sở chỉ huy tiền phương. Ảnh: HUỲNH CHÍN

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và chỉ huy các đơn vị triển khai phương án tìm kiếm nạn nhân mất tích tại Sở chỉ huy tiền phương. Ảnh: HUỲNH CHÍN

Trước đó, lúc 19 giờ 30 phút ngày 16-10, tàu cá QNa 90129 TS, do ông Lương Văn Viên (sinh năm 1976, xã Tam Giang, huyện Núi Thành) làm thuyền trưởng, hành nghề câu mực, trên tàu có 54 lao động. Tàu đang hoạt động cách mũi An Hòa, Quảng Nam khoảng 370 hải lý về hướng Đông Nam, cách đảo Song Tử Tây ở Trường Sa khoảng 70 hải lý về hướng Bắc Đông Bắc, thì bị lốc xoáy làm chìm tàu. Tàu cá QNa 90039 TS hoạt động gần khu vực tàu chìm đã vớt được 40 thuyền viên tàu cá QNa-90129 TS, hiện còn 14 ngư dân mất tích. Tàu QNa 90039 TS đang tổ chức tìm kiếm và kêu gọi các tàu cá hoạt động gần khu vực hỗ trợ tìm kiếm.

Tính đến đến 17 giờ ngày 17-10, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tìm thêm được 2 thuyền viên. Hiện nay số thuyền viên mất tích của 2 tàu gặp nạn là 13 người (12 thuyền viên tàu cá QNa 90129 TS và 1 thuyền viên tàu cá QNa 90927 TS).

Để kịp thời cứu nạn ngư dân mất tích, sáng 17-10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã ký Công văn số 7065/UBND-KTN gửi Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn ngư dân Quảng Nam mất tích trên biển; đồng thời thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam).

Hiện nay, tàu CSB 8002 của Vùng Cảnh sát biển 2, tàu kiểm ngư KN 467 và KN 471, tàu Vạn Hoa 735 và 7 tàu cá ngư dân tỉnh Quảng Nam đang cơ động đến khu vực các tàu gặp nạn để tìm kiếm nạn nhân.

THÀNH NAM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/quang-nam-chu-dong-ung-pho-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-747529