Quảng Nam: Chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ 4.0, nâng cao nhân lực để phát triển các sản phẩm OCOP
Để phát triển các sản phẩm OCOP, tỉnh Quảng Nam xác định trong thời gian tới sẽ chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho các sản phẩm OCOP tại địa phương.
Để nâng cao số lượng và chất lượng các sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) và tầm quan trọng của các sản phẩm đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhận thức của mọi người, đặc biệt là đối với khu vực nông thôn, ngày 28/12, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội nghị Sơ kết “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm”
Tại hội nghị, dựa vào thực tiễn kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên, văn hóa, phong tục tập quán của các địa phương trên địa bàn tỉnh và những thành tựu mà Chương trình OCOP đã đạt được trong 3 năm qua (2018 - 2020), các đại biểu đã tập trung tranh luận, bàn bạc và thống nhất đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp hữu hiệu nhất để triển khai chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025.
Cụ thể, đến năm 2025, tỉnh Quảng Nam phấn đấu củng cố, nâng cấp hơn 200 sản phẩm OCOP đã được công nhận trong giai đoạn 2018 - 2020 và phát triển mới ít nhất 200 sản phẩm.
Đến năm 2025, mỗi xã có tối thiểu 2 sản phẩm đạt 3 sao trở lên; tỉnh có ít nhất 5 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh đạt 5 sao, sản phẩm phát triển theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ, quy mô lớn và ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản trị chất lượng, tham gia thị trường xuất khẩu.
Đến cuối năm 2019, doanh thu trung bình của sản phẩm OCOP, đạt 649 triệu/sản phẩm/năm, lợi nhuận đạt 181 triệu/sản phẩm/năm. Tổng doanh thu của các sản phẩm (106 sản phẩm) đạt 68,8 tỷ/năm (tăng 31,8% so với trước khi tham gia OCOP), lợi nhuận đạt 19,2 tỷ /năm (tăng 34,0% so với trước khi tham gia OCOP).
Để hỗ trợ cho chương trình, các cấp chính quyền từ tỉnh đến các huyện, thành phố trên địa bàn Quảng Nam cũng tập trung triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm; đồng thời xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Qua đó đã phát triển được 19 điểm, trung tâm OCOP ở cấp huyện; 12 điểm OCOP và 1 trung tâm OCOP (huyện Tiên Phước) được ngân sách nhà nước hỗ trợ; 1 trung tâm OCOP (huyện Tây Giang) do dự án Trường Sơn Xanh hỗ trợ; 1 điểm do Bộ Công Thương hỗ trợ.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc triển khai thực hiện OCOP giai đoạn 2018-2020 tại Quảng Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Nhận thức ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương có lúc, có nơi còn chưa thật sự sâu sắc; việc triển khai chu trình OCOP thường niên có nơi chưa đảm bảo; hồ sơ đánh giá, phân hạng chưa được cải tiến, chưa áp dụng công nghệ trong đánh giá, lưu trữ hồ sơ; công tác xúc tiến thương mại OCOP còn chưa mạnh; sản phẩm 3 sao OCOP là phổ biến, sản phẩm 4 sao chưa nhiều, sản phẩm 5 sao mới được 1 sản phẩm trình về Trung ương đánh giá, phân hạng; công tác phát triển hệ thống các đối tác tư vấn OCOP còn chưa mạnh…
Tại chương trình, ông Hồ Quảng Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã đánh giá cao hiệu quả của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Chương trình đã có nhiều tác động làm thay đổi đời sống kinh tế - xã hội ở các địa phương, đặc biệt là đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong đầu tư sản xuất và kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao theo hướng bền vững.
Hội nghị đã xác định nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung trong giai đoạn 2021-2025 là tiếp tục đưa Chương trình OCOP trở thành một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn và đô thị của Quảng Nam trong tiến trình thực hiện xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục củng cố, nâng cấp hơn 200 sản phẩm OCOP đã có từ năm 2018-2020, phát triển mới ít nhất 200 sản phẩm (tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu theo chuỗi các sản phẩm chủ lực cấp huyện, tỉnh và các sản phẩm thế mạnh khác). Đến năm 2025, mỗi xã có tối thiểu/bình quân 2 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; có ít nhất 5 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, đạt 5 sao, phát triển theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ, quy mô lớn và ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản trị chất lượng, tham gia thị trường xuất khẩu; doanh số bán hàng OCOP đạt trên 300 tỉ đồng, gấp trên 4 lần so với năm 2020; lợi nhuận đạt trên 80 tỉ đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, chương trình sẽ tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ 4.0, xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu và phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và kinh doanh các sản phẩm OCOP…Đồng thời, sẽ chú trọng phát triển thêm về số lượng và chuyên môn cho nguồn nhân lực thực hiện chương trình.