Quảng Nam: Cửa khẩu quốc tế không có máy soi
Không có máy soi chiếu nên hành lý du khách phải mở tung để kiểm tra thủ công; không có trạm cân, nhân viên hải quan phải đo thể tích tính để tính tải trọng xe…
Tan nát đường lên cửa khẩu quốc tế
Phải mất hơn 2 giờ đồng hồ chúng tôi mới vượt qua “tuyến đường đau khổ” quốc lộ 14D nối đường Hồ Chí Minh (từ Bến Giằng) với cửa khẩu quốc tế Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Dọc đường lên vùng biên giới Việt - Lào là những khúc cua ngoằn ngoèo đầy “ổ voi”, xe máy phải thường xuyên tránh xe tải, xe hàng lên xuống cửa khẩu. Tuyến quốc lộ (QL) nhỏ hẹp, xuống cấp đã nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được đầu tư xứng tầm để kết nối với cửa khẩu quốc tế đang phát triển với lưu lượng xe ngày càng tăng.
Ông Nguyễn Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nam Giang, cho biết, tuyến đường QL 14D đã tan nát mấy năm nay nhưng chưa được nâng cấp mở rộng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới Nam Giang nói chung, cũng như nhu cầu thông thương vận tải hàng hóa, logistics qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang nói riêng.
Theo ông Hoàng, tuyến quốc lộ 14D đang là trở ngại lớn nhất cho sự phát triển của cửa khẩu quốc tế Nam Giang. Nếu QL 14D được đầu tư xứng tầm, cửa khẩu Nam Giang sẽ có nhiều lợi thế hơn so với các cửa khẩu lân cận. Bởi từ cửa khẩu Nam Giang qua Thái Lan chỉ khoảng 200km, về Đà Nẵng khoảng 150km. “Nếu QL 14D được đầu tư, thì giấc mơ sáng ở Thái Lan, chiều tắm biển Đà Nẵng đối với du khách, người dân sẽ sớm thành hiện thực”, ông Hoàng nói.
“Việc kiểm tra thủ công như hiện nay sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế khi qua cửa khẩu Nam Giang”.
Ông Nguyễn Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nam Giang
Theo ông Hoàng, kể từ khi được nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế (từ tháng 8/2021) đến nay lưu lượng xe qua lại trên tuyến đường 14D giao thương giữa hai nước ngày càng phát triển. Năm 2022, cửa khẩu đã thông quan cho hơn 7.850 phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 99 tỷ đồng (tăng 256% so với cùng kỳ). Riêng năm 2023, tính đến ngày 31/7 đã thông quan cho hơn 8.700 phương tiện, thu nộp ngân sách hơn 85 tỷ đồng (tăng 909% so với cùng kỳ).
Từ cuối tháng 5/2023, mặt hàng quặng nhôm bauxite do doanh nghiệp nước bạn Lào quá cảnh qua cửa khẩu để về cảng Chân Mây (TT- Huế), cảng Chu Lai (Quảng Nam) đi Trung Quốc tăng đột biến. Hải quan cửa khẩu Nam Giang đã thông quan cho hơn 1.230 phương tiện vận tải, vận chuyển hơn 39.000 tấn quặng.
“Tuy nhiên, hiện nay đường lên cửa khẩu nhỏ hẹp, lại hư hỏng. Nhiều đoạn đường hẹp, khúc cua gấp xe tải trọng lớn tránh nhau không được. Chỉ cần một sự cố là cả tuyến đường sẽ ách tắc, giao thương ùn ứ”, ông Hoàng cho biết.
Trung tá Nguyễn Văn Thương, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Nam Giang, nói rằng, tuyến đường 14D xuống cấp, hư hỏng nặng nhiều năm chưa được mở rộng đã ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của quân, dân vùng biên. Đồng thời, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương vùng biên. Quân, dân vùng biên mong muốn tuyến đường này sẽ được đầu tư mở rộng.
Liên quan tuyến đường 14D, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản kiến nghị Trung ương bố trí vốn (khoảng 2.700 tỷ đồng) để đầu tư nâng cấp mở rộng. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phản hồi. Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam mời gọi doanh nghiệp đầu tư mở rộng QL 14D và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải đã đề xuất 2 phương án theo hình thức BOT trên tuyến đường hiện có. Tuy nhiên, các phương án Trường Hải đề xuất đều không thể triển khai do vướng pháp lý.
Mất lịch sự với du khách
Lưu lượng người cùng phương tiện và hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang ngày càng tăng, Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang thực hiện cải cách hành chính qua hệ thống kê khai điện tử nhằm rút ngắn thời gian thông quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, phương tiện thông quan.
Tuy nhiên, hiện nay, cửa khẩu này đang trong tình trạng thiếu nhân lực, thiếu biên chế, dù 2 năm qua đã nhiều lần kiến nghị.
Ông Hoàng cho biết, cả Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang biên chế chỉ có 6 công chức và 1 chi cục trưởng. Theo vị trí việc làm và quy mô cửa khẩu được xây dựng, biên chế chỉ mới đáp ứng được 1/4 nhu cầu. Trong khi đó, máy móc, phương tiện đầu tư cho cửa khẩu còn hạn chế, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình làm việc của nhân viên hải quan tại đây.
Ông Trương Văn Thành (cán bộ Hải quan cửa khẩu Nam Giang) cho biết, do thiếu người, thiếu phương tiện, mỗi ngày anh em phải làm việc từ 7h sáng, xuyên trưa đến hơn 19h mới được nghỉ. Những ngày người và xe cộ qua đông, anh em làm cật lực, mỗi người bình quân làm cùng lúc gần 10 đầu việc.
“Do thiếu người, nên mỗi anh em mỗi tháng chỉ được luân phiên về quê thăm vợ con, gia đình 1-2 lần. Thiếu máy móc, phương tiện, anh em làm việc đa phần thủ công”, ông Thành cho biết.
Hiện tại, Hải quan cửa khẩu Nam Giang chưa được đầu tư máy soi chiếu hành lý du khách và máy cân tải trọng phương tiện khi thông quan. Theo Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang, do thiếu máy soi chiếu nên hiện nay khách nước ngoài đi du lịch qua cửa khẩu Nam Giang, nhân viên hải quan phải kiểm tra thủ công bằng cách yêu cầu du khách mở vali, hành lý.
“Việc này rất mất lịch sự và nhất là đối với các du khách nữ. Tuy nhiên, vì vấn đề an ninh, an toàn, anh em không thể không kiểm tra”, ông Hoàng nói.
Trong khi đó, cân tải trọng chưa được đầu tư nên vấn đề kiểm soát tải trọng của Hải quan cửa khẩu Nam Giang gặp khó khăn. Tải trọng thông quan tại cửa khẩu quốc tế Nam Giang đều phụ thuộc vào phiếu cân của chủ mỏ, chủ hàng và của Hải quan cửa khẩu nước bạn Lào.
“Do chưa có cân, anh em đang phải đo ngẫu nhiên phương tiện bằng phương pháp thủ công là đo thể tích nhân với tỷ trọng hàng để ra con số tương đối.
Ngoài ra, Hải quan cửa khẩu phải phối hợp với Đội 2 (Phòng CSGT tỉnh Quảng Nam) và CSGT huyện Nam Giang gọi điện để kiểm tra tải trọng phương tiện để kịp thời xử lý có dấu hiệu nghi ngờ. Đảm bảo không để xe quá tải trọng đi vào QL 14D đang xuống cấp trầm trọng”, ông Hoàng cho biết.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/quang-nam-cua-khau-quoc-te-khong-co-may-soi-post1562070.tpo