Quảng Nam, Đà Nẵng có nhiều lợi thế đón nhà đầu tư Hoa Kỳ
Hơn 300 doanh nghiệp (DN) Việt Nam, Hoa Kỳ cùng lãnh đạo TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tham dự diễn đàn 'Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Hoa Kỳ- cơ hội nào cho DN Việt' diễn ra ngày 10-11. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng kết nối DN Quảng Nam, Đà Nẵng và các đối tác Hoa Kỳ, đồng thời quảng bá, thu hút đầu tư từ Hoa Kỳ đến hai địa phương.
Cơ hội cho DN xuất khẩu
Ông Lê Trí Hải- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho biết, Diễn đàn với 3 phiên tham luận gồm Giáo dục chất lượng cao; Cơ sở hạ tầng và sản xuất; Doanh nghiệp nhỏ, vừa và chuỗi cung ứng. Những phiên tham luận này thu hút nhiều diễn giả, doanh nhân nổi tiếng, tạo điều kiện cho cộng đồng DN Đà Nẵng, Quảng Nam có cái nhìn sâu rộng hơn về cơ hội cũng như có thể có những điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình nhằm đáp ứng chuỗi giá trị toàn cầu khi có nhiều DN Mỹ đầu tư tại Việt Nam.
Trong khi đó, ông Hồ Quang Bửu- Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Quảng Nam, chiếm tỷ trọng hơn 56% (hơn 1,1 tỷ USD) trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2022. Trong đó nổi bật như THACO đã và đang ký kết hợp tác với 20 khách hàng Hoa Kỳ, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 150 triệu USD trên tổng doanh thu năm qua. Ngoài ra, DN Quảng Nam cũng xuất một số sản phẩm sang Hoa Kỳ như may mặc, giày da, sản phẩm gỗ, thiết bị điện tử, bóng đèn, chip điện tử, sơmi rơmoóc, linh kiện phụ tùng ngành ô-tô... Tuy vậy, ông Bửu cho biết, hiện nay Hoa Kỳ là thị trường có nhiều quy định và thủ tục phức tạp, các DN Quảng Nam phải đối mặt với các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. Với việc thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, ông Bửu hy vọng trong thời gian tới, các DN của Quảng Nam có cơ hội thuận lợi hơn đối với thị trường xuất khẩu Hoa Kỳ.
Rộng cửa đón nhà đầu tư Hoa Kỳ
Đà Nẵng hiện thu hút được 81 dự án đầu tư từ Hoa Kỳ với tổng vốn hơn 487 triệu USD (trong đó 19 dự án công nghệ thông tin). Một số dự án có thương hiệu lớn của Hoa Kỳ đang hoạt động tại Đà Nẵng như Coca-Cola, Keytronic, Kimberly-Clark... Đặc biệt, dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của nhà đầu tư Hoa Kỳ là dự án tiêu biểu tại khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Phó chủ tịch Thường trực UBND TPĐà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, Đà Nẵng xác định thời gian tới Hoa Kỳ là thị trường trọng điểm đẩy mạnh hợp tác, thu hút đầu tư. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, Đà Nẵng ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển các dự án hạ tầng mang tính động lực, hình thành kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. TP tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính và quy hoạch, đất đai theo các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án; rà soát quỹ đất để có phương án quy hoạch, kêu gọi đầu tư phù hợp. Đặc biệt, TP tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, trọng điểm phù hợp với định hướng phát triển. Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, các lĩnh vực mà DN Hoa Kỳ có thế mạnh cũng chính là những lĩnh vực mà Đà Nẵng mong muốn thu hút đầu tư, nổi bật như công nghệ thông tin, sản xuất công nghệ cao, tự động hóa, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp hỗ trợ, y tế, giáo dục…
Trong khi đó, ông Hồ Quang Bửu cho biết, cơ hội để thu hút đầu tư từ Hoa Kỳ vào Quảng Nam thời gian tới rất lớn do địa phương còn nhiều dư địa phát triển, như có quỹ đất rộng, 14 khu công nghiệp, 92 cụm công nghiệp...Ông Bửu nói, các lĩnh vực Quảng Nam mong muốn thu hút đầu tư như năng lượng mới, trung tâm tài chính, thương mại-dịch vụ hiện đại, công nghiệp hàng không...cũng là những lĩnh vực thế mạnh của nhà đầu tư Hoa Kỳ. Khi dự án FDI Hoa Kỳ đầu tư sẽ tạo cơ hội lớn cho DN Quảng Nam tiếp cận với công nghệ hiện đại, tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng sản xuất.
Cũng theo ông Bửu, Hoa Kỳ ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Quảng Nam sẽ định hướng xúc tiến đầu tư thành lập Khu công nghiệp Quảng Nam - Hoa Kỳ trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên thu hút ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành kinh tế số như: công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, năng lượng sạch…
Doang nghiệp Việt cần làm gì?
Ông Hồ Quang Bửu cho biết, như hầu hết DN trong nước ở Quảng Nam quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp, năng lực tổ chức sản xuất và quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu chuỗi cung ứng của DN FDI. Một trong những điểm yếu nhất của DN Việt là khả năng nghiên cứu, phát triển (R&D), do vậy, các DN trong nước thường gặp khó khăn trong việc đáp ứng một cách toàn diện các yêu cầu rất khắt khe về chất lượng, thông số kỹ thuật, nguồn nguyên vật liệu và chính sách đặt hàng của các DN FDI.
Để thúc đẩy sự liên kết giữa DN trong nước với DN FDI, giúp các DN Việt tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất của các DN FDI thì vấn đề cốt lõi là DN trong nước cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới quy trình công nghệ, sản xuất mặt hàng phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả, đảm bảo chất lượng theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Theo ông Bửu, Quảng Nam khuyến khích thu hút đầu tư FDI đi cùng với chuyển giao công nghệ và nhà đầu tư Hoa Kỳ đang nắm các công nghệ này hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, một trong những vấn đề mà DN Hoa Kỳ rất coi trọng, đó là bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, thương quyền, bản quyền, không có hàng nhái, hàng lậu. Đây là vấn đề các DN Việt Nam nói chung và DN Quảng Nam nói riêng phải hết sức chú trọng trong quá trình hợp tác với DN Hoa Kỳ.