Quảng Nam đốc thúc tiến độ dự án nâng cấp Quốc lộ 14E
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E đoạn qua các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức và Phước Sơn đang bước vào chặng nước rút về công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công. UBND tỉnh Quảng Nam đã liên tục chỉ đạo để đưa dự án về đích đúng thời hạn.
Bắt đầu triển khai thảm nhựa
Ghi nhận thực tế của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, dự án đi qua huyện Thăng Bình đang có những chuyển biến tích cực dù nhiều điểm chưa được thi công khớp nối do liên quan đến bàn giao mặt bằng. Công nhân tập trung hoàn thiện phần hệ thống mương nước hai bên đường với chiều dài khoảng 20m đến 50m. Riêng địa phận xã Bình Định bắt đầu hoàn thiện bề mặt đường để tiến hành thảm nhựa. Điểm nghẽn lớn nhất của địa phương chính là phạm vi cầu vượt đường sắt (thuộc xã Bình Quý) khi chưa thể thi công.
Tuyến huyện Hiệp Đức ghi nhận nhà thầu thi công theo phương án cuốn chiếu từng đoạn ngắn, nhằm đảm bảo khối lượng. Đoạn đi qua thị xã Tân Bình phần lớn chưa thể thi công do vướng giải phóng mặt bằng. Một số đoạn qua khu vực xã Sông Trà đã bắt đầu hoàn thiện mặt đường để chuẩn bị thảm nhựa.
Huyện Phước Sơn có nhiều điểm sáng về khối lượng thi công. Nhà thầu tập trung thông tuyến và làm mặt đường trước khi thảm nhựa. Lượng lớn máy móc và công nhân nỗ lực gia cố các điểm có nguy cơ sạt lở và ảnh hưởng đến khai thác hạ tầng giao thông. Các hạng mục cầu và đường dẫn cơ bản đảm bảo tiến độ và đang hoàn thiện trước khi vào mùa mưa.
Theo ông Võ Tá Thanh - Giám đốc điều hành Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E (trực thuộc Ban Quản lý dự án 4), dự án đang hoàn thiện mặt đường và thảm nhựa. Các nhà thầu sẽ thảm nhựa trước mùa mưa với các đoạn đường có chiều dài từ 800m đến 1km. Hiện huyện Thăng Bình và Phước Sơn đang có một số khu vực đủ tiêu chuẩn để thảm nhựa trước tháng 10.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E (đoạn km15+270 - km89+700) được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, với tổng mức đầu tư hơn 1.848.2 tỷ đồng. Tháng 3/2023, công trình chính thức khởi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Ông Thanh cho biết dự án hiện đạt giá trị khoảng 35% khối lượng. Nguyên nhân chính là do việc bàn giao mặt bằng chậm nhưng giờ đã cải thiện và đúng kế hoạch. “Ban Quản lý dự án 4 đang xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng nhà thầu liên quan đến các hạng mục công nhân, máy móc và khối lượng. Các cam kết về tiến độ thi công của nhà thầu đều được đưa vào hợp đồng để theo dõi và đánh giá. Đương nhiên kế hoạch thi công cần được bám sát với công tác bàn giao mặt bằng của địa phương để bổ sung, điều chỉnh phù hợp” – ông Thanh nói.
Dồn lực gỡ vướng phần còn lại
Hiện dự án mới bàn giao được 56,98/71,38 km (khoảng 79,83%). Công tác phê duyệt, giải ngân nguồn vốn giải phóng mặt bằng còn chậm, từ đầu năm 2024 đến nay mới phê duyệt 53,34/80 tỷ (đạt 66,24% theo kế hoạch đăng ký). Điển hình vị trí cầu vượt đường sắt chưa thể khơi thông nguồn lực thi công dù thời hạn không còn nhiều.
Tổng cộng số hộ dân bị ảnh hưởng tại điểm cầu vượt là 63 thửa (59 hộ). Cơ quan chính quyền đã ban hành văn bản đủ điều kiện bồi thường về đất 51 thửa; phê duyệt 5 thửa vướng tranh chấp và 7 thửa xã Bình Quý đang hoàn thiện hồ sơ để trình văn bản đủ điều kiện bồi thường. UBND huyện Thăng Bình cũng đã phê duyệt 2 phương án bồi thường đối với phần trong vạch giải phóng mặt bằng của 37 hộ.
Bà Phan Thị Nhi – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết chính quyền địa phương đã nhiều lần làm việc trực tiếp để lắng nghe nguyện vọng của người dân. Nhưng các hộ chịu ảnh hưởng đang có nhiều ý kiến khác nhau về công tác bồi thường. Qua khảo sát có 38/59 hộ có nguyện vọng muốn di dời tái định cư; 6/59 hộ muốn tiếp tục được ở lại; 15/59 hộ đang lưỡng lự chưa biết đi hay ở.
Cũng theo bà Nhi, người dân chưa đồng tình vì sợ ảnh hưởng đến đời sống, kinh doanh lâu dài cũng như liên quan đến giá đền bù. Huyện tiếp tục giao cho Ban Dân vận, Mặt trận vận động và giải thích để người dân hiểu về chủ trương. “Huyện sẽ làm mọi biện pháp để người dân bàn giao mặt bằng nằm trong vạch để thi công. Song song chờ chủ trương của tỉnh Quảng Nam cũng như Bộ Giao thông vận tải về phương án tái định cư. Cuối cùng nếu người dân không chấp hành thì địa phương sẽ dùng biện pháp mạnh để thi công dự án” – bà Nhi chia sẻ.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng khẳng định dự án Quốc lộ 14E là công trình giao thông trọng điểm. Riêng nút giao thông đường sắt được tỉnh đặc biệt quan tâm và chỉ đạo quyết liệt trong thời gian qua. Khi hoàn thành sẽ giúp tuyến đường thông thoáng, giao thông thuận lợi và cảnh quan đô thị hiện đại.
Tỉnh đã chỉ đạo cho huyện Thăng Bình làm việc với các hộ dân nằm trong vạch giải phóng mặt bằng và ngoài vạch để có chủ trương phù hợp. Đối với các hộ dân nằm trong vạch giải phóng mặt bằng thì ưu tiên vận động để bàn giao mặt bằng sớm cho nhà thầu thi công; các hộ ngoài vạch thì chờ ý kiến của Bộ GTVT.
“Tin tưởng người dân sẽ hiểu và đồng thuận cùng chủ trương của tỉnh trong việc thực hiện đoạn cầu vượt đường sắt. Mục tiêu trong tháng 7 phải hoàn thành phương án giải phóng mặt bằng và triển khai thi công. Huyện Thăng Bình có nhiệm vụ triển khai các biện pháp bàn giao mặt bằng và bảo vệ quá trình thi công nút giao thông” – ông Dũng khẳng định.
Được biết, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất bổ sung kinh phí tái định cư cho nút giao thông đường sắt đi qua huyện Thăng Bình.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quang-nam-doc-thuc-tien-do-du-an-nang-cap-quoc-lo-14e.html