Quảng Nam đồng ý cho Đà Nẵng đắp đập tạm trên sông Quảng Huế để giảm nhiễm mặn nguồn nước
Chiều 16/3, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay vừa nhận được Công văn 1353/UBND-KTN do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Hồ Quang Bửu ký cùng ngày, gửi UBND TP Đà Nẵng về việc triển khai các giải pháp tăng lượng nước cấp về khu vực hạ du sông Vu Gia.
Tại Công văn 1353/UBND-KTN ngày 16/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu thống nhất chủ trương theo đề nghị của UBND TP Đà Nẵng thực hiện đắp đập tạm trên sông Quảng Huế nhằm hạn chế lưu lượng nước từ sông Vu Gia chuyển về sông Thu Bồn, duy trì ổn định mực nước thượng lưu hệ thống thủy lợi An Trạch, đảm bảo nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.
UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở NN-PTNT tỉnh theo dõi, phối hợp có ý kiến về giải pháp thiết kế, thi công công trình tạm trên sông Quảng Huế đảm bảo mục tiêu cải thiện nguồn nước về hạ du sông Vu Gia, hỗ trợ nguồn nước cho sông Thu Bồn để khống chế mặn xâm nhập vào hạ lưu sông Thu Bồn và tiêu thoát nước trong mùa lũ.
Trước đó, ngày 8/3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã có Công văn số 1252/UBND-SNN gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị phối hợp triển khai các giải pháp tăng lượng nước cấp về khu vực hạ du sông Vu Gia.
Ông Hồ Kỳ Minh cho hay, trên cơ sở thống nhất của tỉnh Quảng Nam, trong năm 2019 và năm 2020, UBND TP Đà Nẵng đã giao Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đắp đập tạm bằng bao cát trên sông Quảng Huế đến cao trình +3.2m.
Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy việc đắp đập tạm này đã tăng lưu lượng nước về hạ lưu sông Vu Gia, góp phần hiệu quả cấp nước tưới cho các công trình khai thác nước, trạm bơm tưới của huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) và cấp nước giảm mặn tại cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ đảm bảo cấp nước an toàn cho TP Đà Nẵng.
Hiện nay, từ tháng 2/2021, nguồn nước tại cửa thu Nhà máy nước (NMN) Cầu Đỏ bắt đầu nhiễm mặn trở lại, độ mặn diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng dần, cao nhất là 1.997 mg/l (lúc 10h45 ngày 1/3/2021). Do vậy Công văn số 1252/UBND-SNN ngày 8/3, UBND TP Đà Nẵng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương tiếp tục triển khai đắp trở lại đập tạm trên sông Quảng Huế đến cao trình cao trình +3.2m.
Sau khi tiếp nhận đề nghị này của UBND TP Đà Nẵng, ngày 12/3, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam đã có Công văn 479/SNN&PTNT-CCTL báo cáo, đề nghị với UBND tỉnh, và ngày 16/3/2021 UBND tỉnh Quảng Nam có Công văn 1353/UBND-KTN thống nhất đắp lại đập tạm trên sông Quảng Huế đến cao trình cao trình +3.2m nhằm tăng lượng nước về hạ lưu sông Vu Gia, cấp nước cho huyện Đại Lộc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.
Tại Công văn 1252/UBND-SNN ngày 8/3, UBND TP Đà Nẵng cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất giải pháp mở cửa van cưỡng bức đập dâng An Trạch tại một số thời điểm trong ngày để đón và sử dụng có hiệu quả lượng nước xả, vận hành từ các thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia về hạ du nhằm giảm mặn trên sông Cầu Đỏ, tránh lãng phí nước (chảy qua các đập dâng Thanh Quýt, Bàu Nít, Hà Thanh về hạ du ra biển), góp phần đảm bảo cấp nước an toàn cho TP Đà Nẵng.
Đối với đề nghị này của UBND TP Đà Nẵng (giải pháp mở cửa van cưỡng bức đập dâng An Trạch), UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị tổ chức thực hiện theo quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn được ban hành kèm theo Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Được biết, căn cứ Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn ban hành kèm theo Quyết định số 1865/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tại khoản 5, Điều 18 về “Thẩm quyền quyết định vận hành hồ trong mùa cạn” quy định:
“Trường hợp 24 giờ liên tục độ mặn nước sông Vu Gia tại cửa lấy nước NMN Cầu Đỏ lớn hơn 1.000 mg/l (sau đây gọi tắt là trường hợp NMN Cầu Đỏ bị nhiễm mặn không thể khai thác) mà việc khai thác nước từ Trạm bơm An Trạch không đủ cung cấp nước cho NMN Cầu Đỏ thì căn cứ vào tình hình thực tế, lưu lượng đến hồ, mực nước hồ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng xem xét, quyết định điều chỉnh chế độ vận hành xả nước (lưu lượng, thời gian xả) của các hồ A Vương, Sông Bung 4, Đắk Mi 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 6, Sông Côn 2 bậc 1 và đập An Trạch về hạ lưu sông Vu Gia để giảm mặn.
Việc điều chỉnh chế độ vận hành xả nước của các hồ nêu trên phải bảo đảm phù hợp với năng lực, hiện trạng nguồn nước các hồ chứa và cân đối nguồn nước đến hết mùa cạn và được thực hiện cho đến khi độ mặn nước sông Vu Gia tại NMN Cầu Đỏ thấp hơn 700 mg/l trong 12 giờ liên tục”.