Quảng Nam: Giới thiệu, quảng bá 'đặc sản' sâm Ngọc Linh

Tối 1/8, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) tổ chức khai mạc Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ VI, năm 2024.

Lễ hội Sâm Ngọc Linh là hoạt động sôi nổi của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nam Trà My. Ảnh: Đoàn Hữu Trung - TTXVN

Lễ hội Sâm Ngọc Linh là hoạt động sôi nổi của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nam Trà My. Ảnh: Đoàn Hữu Trung - TTXVN

Diễn ra từ ngày 1-3/8, Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ VI, năm 2024 có nhiều hoạt động. Tiêu biểu là phiên chợ sâm Ngọc Linh và dược liệu miền núi gồm hơn 60 gian hàng của doanh nghiệp và hộ gia đình trồng sâm. Cùng với đó là hội thi sâm Ngọc Linh, hội thi trình diễn câu nêu, chương trình nghệ thuật và các trò chơi truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Trong đêm khai mạc, Ban tổ chức đã trao Giấy khen cho các tập thể, cá nhân đã tham gia đấu giá sâm với số tiền hơn 360 triệu đồng để góp vào quỹ xóa nhà ở tạm cho người nghèo.

Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng cho biết: Cây sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam, có từ bao đời nay tại vùng núi Ngọc Linh thuộc địa phận huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và huyện Tu Mơ Rông tỉnh Kon Tum. Sâm Ngọc Linh là một loại cây dược liệu đặc biệt quý hiếm, mang lại giá trị kinh tế cao nhất trên một đơn vị diện tích, được xem là "vàng xanh". Tháng 6/2017, sâm Ngọc Linh được công nhận là sản phẩm quốc gia và Quốc hội đưa cây sâm Ngọc Linh vào loại cây trồng chủ lực trong Khung chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh tại lễ khai mạc Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ 6, năm 2024. Ảnh: Đoàn Hữu Trung - TTXVN

Các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh tại lễ khai mạc Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ 6, năm 2024. Ảnh: Đoàn Hữu Trung - TTXVN

Theo Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng, địa phương đã quy hoạch vùng trồng sâm Ngọc Linh với diện tích trên 15.000 ha; thực hiện bảo tồn được khoảng 100 ha, tương đương với khoảng 2 triệu cây và phát triển vùng nguyên liệu sâm trên 1.650 ha với hơn 1.500 hộ dân tham gia trồng, thu hút 18 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm dưới tán rừng, có diện tích gần 342 ha.

Giá sản phẩm sâm Ngọc Linh không ngừng tăng lên. Do đó, thời gian qua, các nhà khoa học, doanh nghiệp đã tập trung vào việc đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, sản xuất sản phẩm từ sâm. Đồng bào các dân tộc thiểu số trồng sâm trên địa bàn huyện đã ý thức được việc trồng đi đôi với bảo vệ và phát triển rừng, vì cây sâm chỉ sống dưới tán rừng nguyên sinh.

Hơn 30 hộ và Công ty trồng Sâm Ngọc Linh tham gia cuộc thi Sâm Ngọc Linh. Ảnh: Đoàn Hữu Trung - TTXVN

Hơn 30 hộ và Công ty trồng Sâm Ngọc Linh tham gia cuộc thi Sâm Ngọc Linh. Ảnh: Đoàn Hữu Trung - TTXVN

Để triển khai tốt đề án Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, huyện Nam Trà My cần tập trung thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ, trong đó, triển khai hiệu quả Quyết định số 611/QD-TTg. Huyện tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn và phát triển giống sâm Ngọc Linh gốc, không du nhập các loại giống sâm khác vào trồng trên địa bàn; phát hiện, tố giác, đấu tranh với các hành vi gian dối, trục lợi bất chính trong việc tạo giống, trồng, buôn bán sâm Ngọc Linh giả, góp phần bảo vệ thương hiệu "Sâm Ngọc Linh".

Đồng thời, địa phương yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định pháp luật liên quan trong việc trồng, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh; đẩy mạnh sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, góp phần làm tăng giá trị của cây dược liệu quý này.

Đoàn Hữu Trung/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/quang-nam-gioi-thieu-quang-ba-dac-san-sam-ngoc-linh/342412.html