Quảng Nam: 'Hà bá' ngoạm đất sản xuất, uy hiếp nhà cửa, dân khăn gói di dời
Nhiều hộ dân ven sông Vu Gia ở Quảng Nam phải khăn gói di dời khẩn cấp vì tình trạng sạt lở bờ sông đang khiến đất sản xuất bị 'ngoạm' mất, nhà cửa bị uy hiếp.
Tình trạng sạt lở bờ sông Vu Gia đoạn qua xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam diễn ra từ 3 năm nay. Đặc biệt, sau 2 trận mưa lớn dồn dập do ảnh hưởng của bão số 4 và số 5, nhà cửa của người dân ven sông đang đứng trước nguy cơ bị "nuốt chửng".
Đất sản xuất "biến mất", nhà cửa của dân bị uy hiếp
Những ngày gần đây, chính quyền xã Đại An giăng dây, gắn biển cảnh báo nguy hiểm nhằm cấm người và phương tiện đến gần điểm sạt lở bờ sông Vu Gia, đoạn thuộc thôn Phú Nghĩa. Song, mỗi ngày trôi qua, sợi dây cùng biển cảnh báo lại xê dịch dần vào khu vực phía trong khu dân cư vì sạt lở cứ "tịnh tiến".
Đứng bần thần ngay sát điểm cảnh báo sạt lở, ông Ngô Xung (54 tuổi) ước chừng, khoảng cách từ mép nước Vu Gia đến nhà ông chỉ còn chưa đầy 15m. Theo ông Xung, 3 năm trở lại đây, nhiều diện tích đất canh tác của người dân địa phương đã bị kéo tuột xuống dưới sông vì sạt lở.
"Mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của cơn bão số 4 và số 5, đặc biệt là trận lũ hồi giữa tháng 10 vừa qua khiến bờ sông lâm vào tình trạng sạt lở nặng, nước "ngoạm" sâu vào bờ hơn chục mét. Cả cây số bờ kè bảo vệ hai bên bờ sông cũng bị đánh sập. Quá khủng khiếp" - ông Xung nói rồi buông tiếng thở dài ngao ngán, trước khi cùng vợ con tất bật thu dọn đồ đạc, sẵn sàng sơ tán khỏi vùng sạt lở.
Tương tự ông Xung, mấy hôm nay, bà Phạm Thị Hồng như "ngồi trên đống lửa" khi ngôi nhà tránh nắng che mưa của gia đình cũng chỉ còn cách mép nước chừng 20m.
“Đất sản xuất mất đã đành, giờ nhà cửa mà bị nước sông xâm lấn, đánh sập thì coi như mất trắng. Nếu Nhà nước không sớm có phương án xây dựng bờ kè bảo vệ thì nguy cơ nhiều nhà cửa của dân sẽ bị cuốn trôi”, bà Hồng giãi bày.
Theo ông Xung, bà Hồng và nhiều người dân địa phương, nguyên nhân khiến bờ sông Vu Gia sạt lở là do trước đó tỉnh Quảng Nam có chủ trương đắp đập tạm trên sông Quảng Huế để lấy nước về giải mặn cho TP Đà Nẵng.
"Khi chưa đắp đập thì không có vấn đề gì cả, làm xong đập thì thấy sạt lở nghiêm trọng hơn" - một người dân cho hay.
Di dời dân khỏi vùng sạt lở
Trong ngày hôm nay (19/10), huyện Đại Lộc huy động lực lượng dân quân, thanh niên, công an đến di dời khẩn cấp nhiều hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở bờ sông Vu Gia để đảm bảo an toàn tính mạng cho bà con. Bên cạnh đó, chính quyền xã Đại An cùng đại diện các ban, ngành của huyện cũng có mặt để khảo sát, tìm hướng khắc phục tình trạng sạt lở.
Ông Đỗ Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Đại An, cho hay: "Hiện chúng tôi đang tập trung di dời xen ghép 7 hộ dân nằm gần khu vực sạt lở đến nơi an toàn. Trước mắt, xã chưa có hỗ trợ gì cho bà con, nhưng sau này sẽ nghiên cứu hỗ trợ bằng nguồn xã hội hóa cũng như nguồn kinh phí đề nghị từ cấp trên".
Theo ông Hòa, việc đắp đập tạm trên sông Quảng Huế để lấy nước về giải mặn cho TP Đà Nẵng là hợp lý. "Tuy nhiên, quá trình đắp đập khiến độ chênh lệch trên và dưới đập mực nước quá cao. Chính vì vậy, khi lũ về, dòng nước chảy mạnh từ trên đổ xuống gây xói lở. Ban đầu thì xói lở một khoảng nhưng dần dà xói lở mạnh hơn”, ông Hòa lý giải.
Trong khi đó, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho hay chính quyền địa phương đã huy động máy móc, vật tư và nhân lực để triển khai biện pháp dùng các bao tải cát, cọc tre nhằm giữ chân mái taluy bị sạt.
"Về biện pháp lâu dài, huyện sẽ kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng lại đoạn kè này. Đồng thời, chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan liên quan xem xét kỹ lại đập tạm trên sông Quảng Huế" - ông Quang thông tin thêm.