Quảng Nam: Hàng trăm héc ta vụ Đông Xuân bị mặn đe dọa
Vụ Đông Xuân năm nay tỉnh Quảng Nam gieo sạ 41.500ha lúa, hiện nay nhiều diện tích đã trổ bông. Thế nhưng, nhiễm mặn khiến hàng trăm ha lúa đang đứng trước nguy cơ thiếu nước, đồng nghĩa với vụ mùa thất thu.
Những cánh đồng lúa ở xã Duy Phước chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước tưới trên sông Thu Bồn, nhưng nước sông này những ngày qua bị mặn xâm nhập sâu nên nguy cơ thiếu nước tưới rất lớn.
Ông Đặng Sang, nông dân ở xã Duy Phước cho hay, vụ Đông Xuân 2023 - 2024, ông sản xuất 5 sào lúa, nguồn nước chủ yếu lấy từ sông Thu Bồn qua Trạm bơm 19/5. Tuy nhiên, 2 tuần qua nước mặn liên tục xâm nhập hạ lưu sông Thu Bồn gây ảnh hưởng nguồn nước tưới cây trồng của bà con.
“Để đối phó với mặn xâm nhập, HTX Nông nghiệp Duy Phước đã bơm nước từ sông Thu Bồn lách triều để cung cấp nước tưới cho hoa màu. Chúng tôi vừa trông chờ nguồn nước từ trạm bơm và mong mưa nhiều để đẩy mặn và có nguồn nước tưới cho vụ Đông Xuân” - ông Sang nói.
Ông Lê Đào - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phước cho biết: “Lúa vụ Đông Xuân đang thời kỳ trổ bông nhưng đứng trước nguy cơ thiếu nước do mặn xâm nhập. Do đó chính quyền địa phương đã yêu cầu ngành nông nghiệp thường xuyên đo nồng độ mặn trên sông Thu Bồn để kịp thời bơm nước tưới tiêu phục vụ cho các cánh đồng lúa ở địa phương”.
Theo thông tin từ ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam, vụ Đông Xuân 2023-2024 trên địa bàn tỉnh có một số khu vực ở vùng hạ du sông Thu Bồn xảy ra hạn hán và bị xâm nhập mặn. Đơn vị đã phối hợp các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn tổ chức vận hành nước để cơ bản đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Tỉnh cũng đã hỗ trợ nông dân chuyển đổi hơn 1.100ha đất lúa không chủ động nguồn nước sang trồng các loại cây trồng cạn, hoa màu”.
Xâm nhập mặn đang có diễn biến gia tăng ở nhiều địa phương thuộc tỉnh Quảng Nam. Để chủ động ứng phó với hạn hán do thiếu nước và xâm nhập mặn, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các địa phương, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam chủ động xây dựng và triển khai các biện pháp ứng phó; theo đó đã tổ chức nạo vét bồi lấp lòng sông và bể hút các trạm bơm điện cố định. UBND tỉnh yêu cầu Công ty Thủy điện Sông Bung, Công ty CP Thủy điện A Vương, Công ty Thủy điện Sông Tranh, Công ty CP Phú Thạnh Mỹ, Công ty CP Tư vấn xây dựng Điện I, Công ty CP Thủy điện Đạt Phương Sông Bung tổ chức vận hành xả nước qua phát điện để hạ du chống hạn và đẩy mặn.