Quảng Nam: Hơn 860 ha đất được đề nghị bàn giao để xã hội hóa, đầu tư sân bay Chu Lai
Ngày 13/11, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh đã ký công văn gửi Bộ Quốc phòng về việc rà soát, phân định, bàn giao lại phần đất dân dụng để thực hiện đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác sân bay Chu Lai (xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành).
Sân bay Chu Lai có diện tích gần 2.150 ha, hiện do Bộ Quốc phòng quản lý, sử dụng. Tại đây, khu vực phía Tây đường trục chính vào sân bay Chu Lai có diện tích khoảng 1.281 ha, bao gồm các công trình hiện hữu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư xây dựng và các công trình kỹ thuật do quân đội quản lý. Khu vực phía Đông của đường trục chính vào sân bay Chu Lai có diện tích khoảng 868 ha, hiện trạng là đất trống, không có các công trình hạ tầng trên đất.
Theo tính toán trong quy hoạch, sân bay Chu Lai sẽ được đầu tư phát triển hệ thống đường cất cánh, hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa... ở khu vực phía Đông sân bay. Đồng thời, đồng bộ, đảm bảo tiêu chuẩn khai thác như một sân bay độc lập.
Tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan đo đạc, phân định rõ diện tích đất hàng không dân dụng, đất quân sự, đất quân sự dùng chung (dân dụng và quân sự) và xác lập hồ sơ, thủ tục giao phần diện tích đất hàng không dân dụng cho tỉnh Quảng Nam quản lý.
Trước mắt, tỉnh Quảng Nam đề nghị bàn giao khu vực phía đông đường trục chính vào sân bay Chu Lai (868 ha) để sớm triển khai các hồ sơ, thủ tục liên quan xã hội hóa đầu tư, khai thác sân bay Chu Lai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó xác lập hồ sơ, thủ tục giao phần diện tích đất hàng không dân dụng cho tỉnh Quảng Nam quản lý.
Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác sân bay Chu Lai đã được Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, giai đoạn đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng nhà ga hành khách đáp ứng công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Khu vực nhà ga hàng hóa với công suất khoảng 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm, nhu cầu huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng sân bay Chu Lai khoảng 11.000 tỷ đồng. Đến năm 2050, dự kiến công suất sẽ đón khoảng 30 triệu hành khách/năm.
Sân bay Chu Lai cũng được định hướng sẽ trở thành trung tâm công nghiệp - dịch vụ hàng không quốc tế với các hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa, logistics hàng không; trung tâm đào tạo và huấn luyện bay; trung tâm sửa chữa bảo dưỡng các loại máy bay, sản xuất linh phụ kiện ngành hàng không, khu công nghiệp công nghệ cao…