Quảng Nam: Khai thác cát trái quy định Công ty TNHH Tấn Lợi Minh bị phạt 445 triệu đồng
UBND tỉnh Quảng Nam vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Tấn Lợi Minh (Khu phố An Nam, thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức) do bà Trần Thị Ngọc Lan làm Giám đốc với số tiền 445 triệu đồng.
Cụ thể, Công ty TNHH Tấn Lợi Minh chưa có giấy phép nhưng đã tự ý khai thác khoáng sản dưới lòng sông, tổng khối lượng đã khai thác tại thời điểm phát hiện là 200m3 cát. Khu vực khai thác cát, sỏi lòng sông vượt ra ngoài điểm gần nhất của ranh giới được phép khai thác là 86m (trong đó, vị trí khai thác ra ngoài diện tích về phía hạ lưu có vị trí nằm ngoài cách xa nhất là 35m, vị trí khai thác ra ngoài diện tích về phía thượng lưu có vị trí nằm ngoài cách xa nhất là 51m).
UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, Công ty TNHH Tấn Lợi Minh thành thật hối lỗi, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính, tự nguyện khắc phục hậu quả nên được xem là tình tiết giảm nhẹ.
Vậy nên, tổng mức xử phạt đối với các hành vi trên là 445 triệu đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam buộc Công ty TNHH Tấn Lợi Minh phải nộp lại khoản thu bất hợp pháp trong lĩnh vực khoáng sản với số tiền là 108 triệu đồng. Công ty này buộc phải nộp lại giá trị tang vật là cát đã bị tiêu thụ trái quy định của pháp luật với số tiền là 36 triệu đồng.
Theo đó, Công ty TNHH Tấn Lợi Minh phải khai thác đúng trình tự trong Báo cáo kinh tế kỹ thuật đã được Cơ quan nhà nước thẩm quyền phê duyệt.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiên cứu khoa học Môi trường Việt Nam thuộc Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, hoạt động khai thác trái phép cát đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép, không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông không có các phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ…
Hoạt động này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông; Sạt lở bờ, bãi ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt sản xuất hoa màu; Đe dọa đến an toàn đê điều, tính mạng, tài sản và an toàn của người dân; Suy giảm mực nước sông trong mùa cạn…
“Cần phải chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép bằng cách nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Thậm chí có những chế tài quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nêu quan điểm.