Quảng Nam khuyến khích dân miền núi bỏ trồng keo sang trồng rừng gỗ lớn
Tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích người trồng rừng chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn và phát triển các loại cây bản địa đa mục tiêu.
Đồng thời, tỉnh liên kết với các doanh nghiệp lớn, từng bước hình thành chuỗi sản xuất lâm nghiệp xuất khẩu, người trồng rừng sẽ được hỗ trợ cây giống, kỹ thuật, tìm đầu ra cho sản phẩm và hỗ trợ khi rừng trồng bị hư hại do thiên tai.
Hơn 5 năm trước, ở thôn 1, xã Trà Vân, huyện vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam toàn đồi trọc, người dân Xê Đăng chủ yếu trồng lúa rẫy và cây keo. Từ sự vận động của chính quyền địa phương cùng với nhiều cơ chế hỗ trợ phù hợp, người dân đã chuyển đổi từ trồng keo sang trồng rừng gỗ lớn.
Ông Hồ Văn Hên, thôn 1, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My là 1 trong số 15 hộ tiên phong trồng thí điểm cây dổi xanh. Sau 7 năm, 1 héc ra rừng dổi đã phát triển tốt, có cây cao hơn 5m. Ông Hên và nhiều hộ dân tại xã Trà Vân, huyện Nam Trà My kỳ vọng về phát triển kinh tế rừng bền vững dựa vào trồng cây dổi, cây sao đen…
Theo ông Hồ Văn Hên, dổi xanh là gỗ tốt, có giá trị kinh tế cao, ngoài ra 1kg hạt dổi khô hiện được bán với giá từ 1,5 - 2 triệu đồng.
Ông Hên chia sẻ: “Trước đây, tôi tỉa rẩy, xong tỉa keo, bây giờ giá keo quá rẻ nên mình chuyển sang trồng cây dổi và cây quế. Năm này là năm đầu tiên nó ra hạt, gia đình tôi sẽ thu hạt, ươm giống để nhân rộng thêm một mô hình mới, tăng thêm diện tích trồng".
Từ năm 2016, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã triển khai quy hoạch phát triển cây dổi rừng trên địa bàn. Đến nay, gần 500 hộ dân tham gia trồng cây dổi trên diện tích hơn 300 ha. Ông Nguyễn Vĩnh Hiền, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Trà My giải thích, các mô hình trồng rừng gỗ lớn được nhân rộng khi người trồng rừng có thu nhập cao, nhờ đó độ che phủ rừng trên địa bàn ngày càng tăng.
“Toàn bộ các khu vực trồng dổi những năm qua cây phát triển rất tốt, triển vọng phát triển cây dổi rất khả quan. Vừa cho sản lượng gỗ để sử dụng làm nhà, làm đồ mỹ nghệ, đồ thủ công gia dụng, vừa sử dụng hạt dổi như là dược liệu, bán giá trị rất cao. Chúng tôi sẽ từng bước nhân rộng mô hình trồng cây dổi để giảm dần diện tích trồng cây keo" -ông Hiền cho biết.
Từ hiệu quả ở những mô hình thí điểm, huyện Nam Trà My tiếp tục mở rộng thêm 10 ha trồng cây dổi. Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đang tập trung nhân rộng cây giống để đảm bảo cung cấp cho người trồng rừng.
“Phải đảm bảo thời gian tới đủ nguồn giống cung cấp cho địa bàn huyện và cả cung cấp cho các huyện khác trên địa bàn tỉnh. Phát triển cây dổi vừa bảo vệ được môi trường sinh thái. Khi mở rộng diện tích trồng cây dổi, huyện sẽ chủ trương trồng các loài dược liệu dưới tán rừng" - ông dũng nhấn mạnh.
Tỉnh Quảng Nam có hơn 769.000 ha rừng và đất quy hoạch phát triển rừng. Hằng năm, số lượng gỗ rừng trồng phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu của tỉnh khoảng 1,45 triệu mét khối, góp phần tạo việc làm, giúp người dân miền núi thoát nghèo bền vững. Tiềm năng phát triển trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng FSC của tỉnh Quảng Nam là rất lớn. Tuy nhiên, người dân còn e dè khi trồng rừng gỗ lớn vì thời gian thu hoạch dài, áp lực về nhu cầu kinh tế, rủi ro do thiên tai, trong khi việc trồng rừng gỗ lớn chưa có chính sách bảo hiểm.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh sẽ sớm có quy hoạch cụ thể về việc trồng rừng gỗ lớn, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp lớn đi tiên phong làm nòng cốt cùng với chính quyền và người trồng rừng xây dựng chuỗi sản xuất lâm nghiệp quy mô lớn.
Theo ông Thanh: “Khi đã có được đầu mối như vậy, chúng ta nên tham gia vào chuỗi sản xuất lớn đó thì mới hạn chế tính rủi ro. Chúng ta phải phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn bằng cách đó, vì lâu nay đã có một số doanh nghiệp liên kết với người trồng rừng nhưng ở quy mô nhỏ cho nên chưa giải quyết được vấn đề này. Tỉnh Quảng Nam sẽ có một chiến lược phát triển rừng gỗ lớn để phục vụ cho chế biến lâm nghiệp xuất khẩu”./.