Quảng Nam luân chuyển, điều động giáo viên không để điều tiếng gì (Bài 4)

'Nếu như mấy năm trước đây thì Sở rất mệt mỏi vì giáo viên trong diện luân chuyển, điều động chạy đến khóc, đến than, trình bày hoàn cảnh… rất khó giải quyết'.

Đó là chia sẻ của ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam khi nói về việc điều động, luân chuyển giáo viên trên địa bàn.

Các sở Giáo dục địa phương đang hoàn thiện chặt chẽ các văn bản pháp quy về luân chuyển giáo viên để tránh tiêu cực, chạy chọt. Ảnh: AN

Các sở Giáo dục địa phương đang hoàn thiện chặt chẽ các văn bản pháp quy về luân chuyển giáo viên để tránh tiêu cực, chạy chọt. Ảnh: AN

Theo ông Quốc, cũng như tình trạng chung của cả nước, Quảng Nam đang xảy ra tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ.

Do đó, ngành giáo dục phải tiến hành điều chuyển giáo viên từ vùng thuận lợi, phân bổ về cho các trường ở vùng khó khăn.

“Nếu theo dõi thực trạng chung trên cả nước thì việc luân chuyên giáo viên ở Quảng Nam chưa có bất kỳ một dư luận, hay xôn xao điều gì.

Bởi cách làm của Quảng Nam là trên tinh thần tôn trọng sự phân cấp, bảo đảm tính dân chủ tập trung, tôn trọng lợi ích – quyền lợi – tiếng nói của giáo viên”.

Theo đó, Sở sẽ gửi kèm theo mẫu thống kê các trường nơi có giáo viên thừa bộ môn nào và dự kiến đến nơi thiếu bộ môn đó. Ví dụ như hiện giáo viên Hóa trường A. đang thừa hai người.

Và các trường trung học phổ thông đang thiếu giáo viên môn Hóa gồm: trường B, C, D… Như vậy, Sở sẽ có bảng thống kê đó kèm theo các văn bản về phân công, điều chuyển để giáo viên có thêm cơ hội lựa chọn hơn.

“Trong hai trường hợp dư thừa của trường A. thì giáo viên nào trong tổ Hóa đó phải luân chuyển? Cái này thì giao cho từng giáo viên bàn bạc, thảo luận dưới sự chủ trì của tổ trưởng tổ bộ môn.

Tự họ sẽ sắp xếp và nêu ý kiến của từng thành viên nói về hoàn cảnh rồi đề xuất ai sẽ tăng cường lên trên đó. Họ bàn xong thì sẽ thể hiện rõ trong mẫu biên bản mà Sở đã gửi trực tiếp cho họ.

Sau đó, chuyển biên bản đó lên Hiệu trưởng, Ban giám hiệu kiểm tra. Nếu xét thấy đúng theo ý kiến của Sở thì người ta sẽ làm công văn, tờ trình kẹp văn bản đó gửi về Sở.

Trên Sở sẽ kiểm tra một lần nữa xem có đúng là có ý kiến của cá nhân đó không? Có đúng quy trình ở tổ, ở trường không? Nếu đúng thì ra quyết định, còn không thì phải làm lại”, ông Quốc giải thích thêm.

Cũng theo vị lãnh đạo sở giáo dục Quảng Nam thì nếu như mấy năm trước, Sở rất mệt mỏi vì mỗi lần có quyết định luân chuyển giáo viên chạy đến khóc, đến than, trình bày hoàn cảnh… rất khó giải quyết.

Năm nay không có trường hợp này. Vì sao lại như vậy?

“Bởi vì năm ngoái, năm kia thì mình giao cho Hiệu trưởng. Đi xuống dưới đó thì Trường làm không rõ ràng, không tôn trọng ý kiến của mỗi thành viên của tổ.

Dẫn đến câu chuyện không được thuyết phục. Còn năm nay thì giáo viên rất vui vẻ nhận nhiệm vụ.

Và cũng từ việc điều chuyển giáo viên này đã xuất hiện những câu chuyện rất dễ thương của các giáo viên được điều động lên vùng khó”, ông Quốc nói thêm.

Ông Quốc cũng thừa nhận, chính việc phân cấp, đưa về cho Hiệu trưởng quyết định người luân chuyển đã nảy sinh nhiều vấn đề.

“Khi đưa về có ông Hiệu trưởng rất tốt nhưng không loại trừ những Hiệu trưởng độc đoán, không làm đúng theo hướng dẫn. Dẫn đến việc tai tiếng, chạy chọt.

Còn lại những trường hợp điều đi vùng khó, vùng xa xôi nhưng có hoàn cảnh khó khăn như: con khuyết tật bẩm sinh hay tai nạn… thì Sở sẽ tiếp nhận hồ sơ.

Tuy nhiên, sẽ chưa giải quyết ngay mà thành lập một tổ đi thẩm tra hoàn cảnh. Chứ nếu mình chỉ nghe một hồ sơ như thế thì chưa thuyết phục.

Tổ này sẽ có trưởng phòng tổ chức, thanh tra sẽ đi kiểm tra, xác minh xem giáo viên đó có trình bày đúng sự thật, rồi cần thiết thì ghi hình chụp ảnh và xác minh bệnh án luôn.

Trên cơ sở đó, Sở mới ra quyết định điều chuyển một cách hợp lý, thuyết phục được các giáo viên khác”, ông Quốc nói.

Bà Lê Thị Hương – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết, để thực hiện việc luân chuyển giáo viên thì Sở đã có nhiều văn bản pháp quy nhằm hướng dẫn cụ thể.

Trong đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành quy chế điều động giáo viên, nhân viên công tác trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập từ nơi thừa sang nơi thiếu trên địa bàn.

“Theo quy trình thì các trường sẽ lên danh sách giáo viên dôi dư, thuộc diện phải điều động, luân chuyển theo quy định. Trên cơ sở đó, Sở sẽ ra quyết định điều động.

Nếu giáo viên không chấp nhận điều động thì Sở sẽ làm nghiêm theo từng bước mà quy định đã nêu rất rõ.

Trước mắt là Sở sẽ làm việc, mời lên để nắm rõ tâm tư, nguyện vọng. Đồng thời, yêu cầu các trường có báo cáo để có căn cứ sau này mình xử lý.

Nếu điều động đi lâu dài thì phản đối mới đúng. Còn đây, việc điều động đi chỉ 3 năm với nam và 2 năm với nữ.

Sau đó, được trở về đơn vị cũ thì ai cũng phải thực hiện nghĩa vụ của mình”, bà Hương cho hay.

Cũng theo bà Hương, bởi có những quy định, tiêu chí rõ ràng về việc điều chuyển nên sẽ tránh được việc chạy chọt, lo lót để được dạy ở các vùng thuận lợi, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ đi xa.

AN NGUYÊN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/quang-nam-luan-chuyen-dieu-dong-giao-vien-khong-de-dieu-tieng-gi-bai-4-post203777.gd