Quảng Nam, mỏ cát khởi điểm hơn 1 tỷ nhưng đấu giá lên đến 370 tỷ đồng

Một mỏ cát ở Quảng Nam giá khởi điểm chỉ 1,2 tỷ đồng, nhưng kết quả trúng đấu giá lên tới 370 tỷ đồng, trong khi trữ lượng mỏ cát được phê duyệt chỉ có 159.000 mét khối. Việc này khiến nhiều doanh nghiệp cũng như dư luận hoài nghi về tính khả thi của kết quả đấu giá trên.

Buổi đấu giá mỏ cát ĐB2B kéo dài đến 20 tiếng với 200 vòng đấu.

Buổi đấu giá mỏ cát ĐB2B kéo dài đến 20 tiếng với 200 vòng đấu.

Trước đó sáng 18-10, tại Hội trường UBND thị xã Điện Bàn (số 22 Hoàng Diệu, phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), Công ty đấu giá Hợp Danh Hòa Thuận tổ chức buổi đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại điểm mỏ ĐB2B nằm trên địa bàn xã Điện Thọ (thị xã Điện Bàn). Điểm mỏ này có diện tích 6,04ha với trữ lượng được phê duyệt là 159.000 mét khối.

Điều đáng nói, mức giá khởi điểm được đưa ra là 1,2 tỷ đồng, nhưng sau khi trải qua 20 giờ với 200 vòng đấu, tới hơn 4 giờ sáng nay (19-10), cuộc đấu giá mới kết thúc với số tiền chốt phiên lên tới 370 tỷ đồng, ở mức 1.534,6% so với giá khởi điểm. Kết quả đấu giá trên khiến nhiều người sửng sốt.

Theo một số doanh nghiệp, sáng 18-10 có nhiều đơn vị tham gia đấu giá nhưng sau đó kết quả đấu giá quá cao nên họ rút lui. Có 6 doanh nghiệp liên tục bỏ giá cao, gồm: Công ty TNHH VL XD Khoáng sản Miền Trung (địa chỉ tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng); Công ty TNHH Xây lắp, Thương mại và Dịch vụ Tân Nguyên Văn (phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam); Công ty CP Đầu tư tư vấn thăm dò địa chất Trung Trung Bộ (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang); Công ty CP Nông Sơn FARM (xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam); Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Bá Anh (phường Điện Minh, thị xã Điện Bàn)… Cuối cùng, Công ty Cổ phần MT Quảng Đà (phường Khuê Trung, Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) là đơn vị trúng đấu giá mỏ cát trên với số tiền 370 tỷ đồng.

Thông tin liên quan đến mỏ cát ĐB2B được đưa ra đấu giá.

Thông tin liên quan đến mỏ cát ĐB2B được đưa ra đấu giá.

Trao đổi với phóng viên sáng nay, lãnh đạo thị xã Điện Bàn cho biết, hết sức bất ngờ với kết quả trúng đấu giá như vậy. Trong khi đó, một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản đặt nhiều dấu hỏi về mục đích của các đơn vị tham gia đấu giá, đẩy giá quá cao so với thực tế.

Cũng theo lãnh đạo thị xã Điện Bàn, hiện nay mức giá cát theo UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt là 150.000 đồng/m3. Trong khi đó, với mức trúng đấu giá tiền cấp quyền khai thác của mỏ cát trên là 370 tỷ, tương đương hơn 2,3 triệu đồng/m3, chưa kể các chi phí thuế tài nguyên, phí BVMT, chi phí khai thác ... thì doanh nghiệp bán ra với giá hơn 2,3 triệu đồng/m3 mới có lãi.

Một mỏ cát trên địa bàn huyện Đại Lộc, Quảng Nam.

Một mỏ cát trên địa bàn huyện Đại Lộc, Quảng Nam.

Mới đây, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, ông Lương Nguyễn Minh Triết – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng kiến nghị một số vướng mắc, bất cập của Luật Đấu thầu 2023. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam dẫn chứng, Luật Đấu thầu quy định việc đóng cọc cho các mỏ khai thác khoáng sản rất thấp, chỉ có 15% tiền tạm ứng. Do đó sẽ có trường hợp cạnh tranh không lành mạnh, đẩy giá quá cao so với thực tế, đấu giá để phá thầu, hoặc trúng thầu nhưng sau đó sẽ bỏ, khiến dự án không thể triển khai được… Do đó ông Lương Nguyễn Minh Triết kiến nghị Trung ương, Chính phủ sớm điều chỉnh một số bất cập trong Luật Đấu thầu 2023.

TRẦN TÂN

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/quang-nam-mo-cat-khoi-diem-hon-1-ty-nhung-dau-gia-len-den-370-ty-dong-post303079.html