Quảng Nam: Mưa lớn kéo dài, 2 người mất tích khi bơi qua sông
Vào lúc 16 giờ ngày 9/10, anh Hồ Văn T. (37 tuổi) cõng chị Hồ Thị D. (28 tuổi) bơi qua sông Nước Na thì bị dòng nước chảy xiết cuốn trôi mất tích.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày 9 đến sáng 10/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa to, có nơi đến rất to. Mực nước trên các sông đang lên, có khả năng xuất hiện một đợt lũ.
Cụ thể, trên sông Vu Gia (huyện Đại Lộc) ở mức trên báo động báo động II, trên sông Thu Bồn (thành phố Hội An) ở mức báo động I, trên sông Tam Kỳ (thành phố Tam Kỳ) ở mức báo động I.
Mực nước các sông lên cao, gió mạnh đã dẫn đến một vụ tai nạn đuối nước thương tâm.
Vào lúc 16 giờ ngày 9/10, anh Hồ Văn T. (37 tuổi) cõng chị Hồ Thị D. (28 tuổi), cả 2 cùng trú thôn 1, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My bơi qua sông Nước Na (đoạn chảy qua xã Trà Cang giáp ranh với xã Trà Nam thuộc huyện Nam Trà My).
Khi anh T. và chị D. bơi ra giữa sông Nước Na thì bị dòng nước chảy xiết cuốn trôi mất tích.
Nhận được thông tin, chính quyền xã Trà Cang cùng Công an huyện Nam Trà My khẩn trương có mặt tại hiện trường tổ chức tìm kiếm các nạn nhân.
Lãnh đạo xã Trà Cang cho biết hiện nay, trên địa bàn xã trời mưa to, địa hình phức tạp và xa dân cư nên công tác tìm kiếm các nạn nhân gặp nhiều khó khăn.
Do đó, chính quyền xã đang phối hợp với cán bộ ở các Nhà máy Thủy điện Trà Linh 1, 2 và 3 và các lực lượng chức năng nắm thông tin, hỗ trợ tìm kiếm tại các đầu đập ở trên sông Nước Na.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, trong những ngày tới, thiên tai còn diễn biến phức tạp, các địa phương trong tỉnh Quảng Nam tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, nhất là tại các địa phương miền núi.
Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương triển khai các giải pháp phòng, chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ.”
Các địa phương khẩn trương phối hợp với với các lực lượng rà soát các khu vực không đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực bị ngập sâu, chia cắt, vùng trũng thấp ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, nơi dễ sạt lở đất, trên các sông, suối, hồ chứa nước; kiên quyết di dời, sơ tán người dân, phương tiện, tài sản tại những nơi nguy hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng của ngập sâu, sạt lở, lũ quét.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển, lồng bè, nuôi trồng thủy sản biết tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển để chủ động phòng tránh, có kế hoạch sản xuất phù hợp, cũng như phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc với các chủ tàu, chủ thuyền,… nhằm xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
Các địa phương chủ động nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, bao gồm cả các ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ.
Đặc biệt, các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên; thực hiện tốt việc thông báo, thông tin đến vùng hạ du, vận hành điều tiết hồ đảm bảo theo đúng Quy trình vận hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các lực lượng cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn các địa phương duy trì lực lượng và phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình thiên tai để kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục.../.