Quảng Nam nỗ lực đảm bảo an toàn cho người dân vùng nguy cơ sạt lở

Những năm gần đây, Quảng Nam là địa phương gánh chịu thiệt hại nặng nề bởi sạt lở núi. Hàng năm, cứ vào mùa mưa bão, sạt lở uy hiếp đến tính mạng, tài sản của người dân. Vậy để chủ động ứng phó và phòng tránh hiểm họa trên, Quảng Nam đã và sẽ làm gì để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây nên, phóng viên (P.V) Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc phỏng vấn ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam xung quanh vấn đề này.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

P.V: Xin ông cho biết, thời gian qua Quảng Nam đã có những phương án nào để tái định cư (TĐC) cho người dân vùng sạt lở? Cách làm được thực hiện như thế nào? Đến nay đã TĐC cho bao nhiêu hộ dân?

Ông Hồ Quang Bửu: TĐC cho người dân vùng sạt lở là giải pháp chủ động phòng ngừa, hạn chế tối đa các rủi ro do thiên tai gây ra, tạo điều kiện thuận lợi để người dân ổn định cuộc sống, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, cải thiện sinh kế, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội, đặc biệt là đối với khu vực miền núi, nơi có nhiều khu, điểm dân cư thường xuyên đối mặt với nguy cơ sạt lở núi trong mùa mưa lũ.

Để thực hiện sắp xếp dân cư (di dời, tái định cư), đặc biệt là các hộ dân vùng nguy cơ cao bị thiên tai như: sạt lở núi, sạt lở bờ sông, lũ quét,… ở khu vực miền núi, qua các giai đoạn 2016-2020, 2021-2025, Quảng Nam đã xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp ổn định dân cư.

Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, công tác sắp xếp dân cư được thực hiện theo Cơ chế chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư tại Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND ngày 19-4-2017 của HĐND tỉnh; trong đó, hỗ trợ trực tiếp cho hộ TĐC về đất ở tối thiểu 200m2/hộ, hỗ trợ kinh phí với mức tối đa 80 triệu đồng/hộ. Trong 4 năm (2017-2020), ngân sách tỉnh đã bố trí cho 9 huyện miền núi thực hiện cơ chế là 385 tỷ đồng. Đã thực hiện hỗ trợ TĐC cho tổng số 6.905 hộ (chỉ tiêu giao giai đoạn 2017- 2020 là 5.000 hộ), trong đó có 2.914 hộ dân vùng nguy cơ sạt lở cao do thiên tai.

Giai đoạn 2021-2025, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND ngày 22-7-2021 Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 23 là sắp xếp, ổn định dân cư cho khoảng 7.821 hộ; trong đó hộ vùng thiên tai là 2.333 hộ. Theo đó, hỗ trợ trực tiếp cho hộ TĐC về đất ở tối thiểu 150m2/hộ, hỗ trợ kinh phí với mức tối đa 125 triệu đồng/hộ. Trong 4 năm (2021-2024), ngân sách tỉnh đã bố trí hơn 245 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ sắp xếp dân cư. Tính từ năm 2021 đến 30-9-2024, tổng số hộ được hỗ trợ thực hiện sắp xếp di dời chỗ ở là 2.414 hộ, trong số đó 2.160 hộ vùng nguy cơ sạt lở cao do thiên tai.

Trong các cơ chế chính sách hỗ trợ nêu trên, bố trí TĐC theo hình thức xen ghép là chủ yếu, được ưu tiên thực hiện, không hỗ trợ xây dựng các khu TĐC tập trung nhằm hạn chế việc đào đắp đất san lấp mặt bằng gây ra nguy cơ sạt lở đất tại khu, điểm TĐC. Hộ TĐC là chủ thể trong thực hiện và thụ hưởng chính sách hỗ trợ, theo phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng; nhà nước chỉ tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra giám sát, hỗ trợ kinh phí trực tiếp đến hộ TĐC. Việc lựa chọn đối tượng, địa điểm TĐC được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch thông qua họp dân trong thôn để bình xét, thảo luận, đi đến thống nhất. UBND cấp xã được giao tổ chức rà soát, lập danh sách hộ di dời, xây dựng phương án di dời, TĐC trình UBND cấp huyện phê duyệt để tổ chức thực hiện.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kiểm tra sạt lở núi xảy ra tại huyện Nam Giang cuối năm 2024.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kiểm tra sạt lở núi xảy ra tại huyện Nam Giang cuối năm 2024.

Phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng có mặt tại điểm sạt lở làng Tăk Chay (xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) tháng 10-2024.

Phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng có mặt tại điểm sạt lở làng Tăk Chay (xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) tháng 10-2024.

P.V: Quá trình TĐC cho người dân vùng có nguy cơ sạt lở gặp những khó khăn gì? Giải pháp tháo gỡ ra sao, thưa ông?

Ông Hồ Quang Bửu: Có thể nói, khu vực miền núi của Quảng Nam địa hình rất phức tạp, độ dốc lớn, bị chia cắt liên tục, nhất là 6 huyện miền núi cao; nguy cơ lũ quét ở những khu vực trũng thấp và sạt lở núi ở những khu vực chân núi rất dễ xảy ra và rất khó lường nên không có nhiều mặt bằng, quỹ đất thuận lợi để bố trí dân cư. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Trong khi đó, công tác quan trắc, dự báo và cảnh báo sớm về nguy cơ thiên tai (lũ quét, sạt lở núi) chưa đáp ứng yêu cầu phòng tránh thiên tai.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, thời gian đến UBND tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá mức độ nguy cơ, rủi ro thiên tai của các khu dân cư hiện có và mức độ an toàn của khu vực tiếp nhận, bố trí TĐC trên cơ sở khoa học, tin cậy, đồng thời bảo đảm phù hợp với các quy hoạch có liên quan, đáp ứng yêu cầu về đất ở, đất sản xuất, nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với phong tục tập quán của người dân từng địa phương và phát triển bền vững.

Song song với đó tăng cường trách nhiệm của UBND các huyện, xã trong việc cân đối quỹ đất trên địa bàn để bố trí đất ở cho các hộ tham gia sắp xếp dân cư, trên cơ sở xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Xây dựng các khu TĐC để bố trí đất ở đối với các địa bàn có khó khăn về quỹ đất. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về sắp xếp, ổn định dân cư, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thời gian qua, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Ngoài ra, tập trung bố trí đủ nguồn lực để triển khai thực hiện đồng bộ, đầy đủ các khâu, từ đánh giá mức độ nguy cơ, rủi ro thiên tai các khu dân cư; đánh giá mức độ an toàn đối với các điểm bố trí TĐC; đầu tư xây dựng các khu TĐC và thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư cho hộ TĐC.

Sạt lở uy hiếp khiến các hộ dân làng Tăk Chay, xã Trà Cang phải dời nhà đi nơi khác.

Sạt lở uy hiếp khiến các hộ dân làng Tăk Chay, xã Trà Cang phải dời nhà đi nơi khác.

P.V: Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới Quảng Nam tiếp tục thực hiện TĐC vùng có nguy cơ sạt lở như thế nào thưa ông?

Ông Hồ Quang Bửu: Thời gian tới, cụ thể là giai đoạn 2026-2030, trên cơ sở tổng kết, đánh giá toàn diện cơ chế chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư giai đoạn 2021-2025 và tình hình thiên tai trên địa tỉnh, nhất là khu vực miền núi, để tỉnh tiếp tục xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư phù hợp.

Bên cạnh đó, về lâu dài, ở vùng núi cao cần khôi phục hệ sinh thái rừng tự nhiên, trồng rừng để tăng diện tích rừng tự nhiên, thực hiện bảo vệ rừng tự nhiên thực sự hiệu quả; hạn chế tối đa các hoạt động kinh tế lấy rừng tự nhiên hay xâm hại rừng tự nhiên. Xác lập bản đồ hiện trạng, phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá để xác định được khu vực nguy hiểm; lắp đặt hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm tại các khu vực này; bàn giao, hướng dẫn tới từng xã để chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân tự phòng chống rủi ro hay thực hiện sơ tán, di dời tạm các hộ dân đi tránh trú vào mùa mưa lũ.

Ngoài ra, bản đồ hiện trạng cũng góp phần cung cấp cho các địa phương các thông tin, dữ liệu, cơ sở khoa học để phục vụ quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch sắp xếp lại dân cư, lồng ghép các kế hoạch, biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất đá gây ra.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

TRẦN TÂN (thực hiện)

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/quang-nam-no-luc-dam-bao-an-toan-cho-nguoi-dan-vung-nguy-co-sat-lo-post306909.html