Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước
Với tinh thần 'Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển', Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Đại hội đã tập trung thảo luận, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo đó, phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.
Với tinh thần “Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Đại hội đã tập trung thảo luận, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo đó, phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.
Những chỉ tiêu chủ yếu
Đại hội đã đề ra mục tiêu: “Xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh, hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng; cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động xã hội; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh, bền vững; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo vệ tốt môi trường sinh thái; tăng cường quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030”.
Trên cơ sở phân tích, dự báo tình hình, nhận định những thời cơ, vận hội mới và những khó khăn, thách thức đan xen, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ 22 đã đề ra các nhóm chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Về kinh tế, Quảng Nam phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm từ 7,5 đến 8%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 từ 110 đến 113 triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hằng năm 9% (trong đó, thu nội địa tăng bình quân 10%/năm, thu xuất, nhập khẩu tăng bình quân 4%/năm). Tỷ trọng các ngành trong GRDP đến năm 2025: Công nghiệp - xây dựng từ 35,8 đến 36%; dịch vụ từ 37,2 đến 37,3%. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 khoảng 37%; trong đó, phấn đấu xây dựng thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại I vào năm 2025, từng bước xây dựng đô thị sinh thái, thông minh và đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2030; đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40%. Đến năm 2025, Quảng Nam phấn đấu tỷ lệ thôn có đường ô-tô đến trung tâm được cứng hóa hơn 99%, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP hơn 30%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân từ 6,8 đến 7,3 %/năm; số lượt khách du lịch đạt khoảng 12 triệu lượt khách và tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa bình quân 10%/năm.
Trên lĩnh vực xã hội, tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh giảm còn 2,87%; có 160 xã (chiếm 80% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) (trong đó, 64 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 16 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu); không còn huyện không có xã đạt chuẩn NTM, không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí; có chín đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (trong đó, có hai đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu; phấn đấu trở thành tỉnh đạt chuẩn NTM trước năm 2035. Thu nhập bình quân đầu người tính theo thu nhập thực tế đến năm 2025 từ 68 đến 70 triệu đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 70 đến 75%; trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%; số lao động có việc làm tăng thêm 80 nghìn người; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp từ 71 đến 72%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 96%; có 12 bác sĩ/1 vạn dân; 43,6 giường bệnh/1 vạn dân; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 20%; có 70% trường mầm non, 95% trường tiểu học, 80% trường trung học cơ sở, 60% trường THPT đạt chuẩn quốc gia và trên địa bàn tỉnh không còn nhà tạm bợ.
Quảng Nam phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ dân đô thị được sử dụng nước sạch đạt 90%; 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị và 95% tại các điểm dân cư nông thôn, 95% chất thải rắn công nghiệp thông thường, 80% chất thải nguy hại, 100% chất thải rắn y tế được thu gom, xử lý; 100% các khu công nghiệp đang hoạt động và 50% cụm công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy hơn 50% có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn về môi trường; không phát sinh mới các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và 100% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nằm trong danh mục được khắc phục ô nhiễm và đưa ra khỏi danh mục; tỷ lệ che phủ rừng đạt 61%.
Đại hội đã đề ra các chỉ tiêu về xây dựng Đảng; quốc phòng, an ninh. Cụ thể, hằng năm, số đảng viên được kết nạp từ 1.500 đảng viên trở lên; số đảng viên được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt tỷ lệ từ 90% trở lên; số tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ từ 90% trở lên, không có tổ chức cơ sở đảng không hoàn thành nhiệm vụ. Công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, giao quân hằng năm đạt 100% chỉ tiêu giao; 100% xã, phường, thị trấn vững mạnh về quốc phòng, an ninh, hơn 70% xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện.
Những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm
Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, trong 5 năm tới, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đó là, tập trung xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy định, quy trình về công tác cán bộ; nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng và người đứng đầu trong công tác tổ chức, cán bộ.
Đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá, sử dụng cán bộ theo hướng lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, uy tín và hiệu quả công tác làm căn cứ và tiêu chí cơ bản; khuyến khích, trọng dụng cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Cơ cấu, sắp xếp lại hợp lý đội ngũ cán bộ theo vị trí việc làm, khung năng lực; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Chú trọng kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; kết hợp chặt chẽ giữa kiểm tra, giám sát thường xuyên với kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; tập trung xem xét, giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo; xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm.
Đáng chú ý, Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba nhiệm vụ đột phá chiến lược, đó là: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị; chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo đó, tổ chức, thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị, khu công nghiệp để sẵn sàng đón nhận nhà đầu tư; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đa dạng hóa hình thức đầu tư để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Tập trung xây dựng đô thị đạt các tiêu chí theo quy hoạch; nâng cao chất lượng các đô thị hiện có, mở rộng không gian phát triển đô thị. Chú trọng phát triển đô thị theo hướng đô thị thông minh và đô thị sinh thái, gắn với phát triển du lịch.
Thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực; phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách đào tạo, thu hút, tuyển dụng và sử dụng nhân tài, tạo môi trường làm việc thuận lợi. Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ hiện đại; chuẩn hóa và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, từng bước thích ứng với môi trường công nghệ số. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, kiên quyết loại bỏ chi phí không chính thức; tạo môi trường đầu tư thật sự thông thoáng, hấp dẫn. Xây dựng đề án hỗ trợ, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp sáng tạo cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Mặt khác, Quảng Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và vùng đồng bằng ven biển của tỉnh; tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du, miền núi. Tích cực tham gia liên kết với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền trung trong xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, khoa học và công nghệ. Phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, lấy cơ chế mở làm đột phá xuyên suốt, phấn đấu trở thành khu kinh tế động lực của Vùng kinh tế trọng điểm miền trung và cả nước. Đồng thời, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ - du lịch. Cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội.
Song song với phát triển kinh tế, Quảng Nam tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Xây dựng các đề án phát triển giáo dục ngay từ bậc học mầm non nhằm xây dựng, phát huy các giá trị chuẩn mực con người Việt Nam, bản sắc văn hóa con người Quảng Nam để phát triển toàn diện nhân cách, thể lực, trí lực, tinh thần cho học sinh, góp phần hình thành một thế hệ công dân mới. Quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững. Tiếp tục quan tâm đầu tư cho công tác y tế; chú trọng y tế cơ sở, y tế dự phòng, phòng, chống dịch bệnh; chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn. Bảo đảm cung cấp tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản tối thiểu và các thiết chế văn hóa cơ bản. Quan tâm đầu tư các công trình văn hóa, phục vụ dân sinh. Gắn kết chặt chẽ trong thực hiện các chính sách kinh tế với các chính sách xã hội, phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa - giáo dục, nâng cao chất lượng cuộc sống của toàn dân. Chú trọng thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng; bảo đảm người có công có mức sống từ trung bình khá trở lên.
Với truyền thống anh hùng, tinh thần chủ động, sáng tạo, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 22 đề ra, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
PHAN VIỆT CƯỜNG
Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam