Quảng Nam phát huy nguồn lực tín dụng chính sách
Thời gian gần đây, nguồn lực từ tín dụng chính sách ở Quảng Nam đã và đang giúp người dân địa phương vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống…
Tín dụng chính sách phát huy hiệu quả
6 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Nam đã chủ động bám sát Nghị quyết của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, chỉ đạo của chính quyền địa phương các cấp, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hoạt động Ngân hàng Chính sách xã hội đảm bảo an toàn, chất lượng tín dụng được duy trì tốt, dư nợ tăng trưởng 6,3%, hoàn thành 98% kế hoạch.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi tiếp tục được đầu tư đúng đối tượng và có hiệu quả; với 31.113 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần tạo việc làm cho 8.637 lao động, có 114 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (trong đó có 21 lao động tại huyện Nam Trà My đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc), giúp 1.022 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, xây dựng, cải tạo 16.646 công trình nước sạch vệ sinh, 54 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn…
Gia đình bà Đoàn Thị Hoa, xã Tam Ngọc, TP. Tam Kỳ, một trong những hộ làm kinh tế giỏi ở địa phương. Bà Hoa cho biết, hiện gia đình đang vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo chương trình giải quyết việc làm thông qua sự giới thiệu của Hội Nông dân xã. Từ nguồn vốn vay này, bà đã đầu tư mô hình trồng nấm và cải tạo vườn cây ăn quả… Thời điểm trước đây, cuộc sống của gia đình bà còn nhiều khó khăn, song gần đây thu nhập từ trồng nấm và vườn cây ăn quả đã mang lại thu nhập ổn định với khoảng gần 10 triệu đồng/tháng. Bên cạnh, bà Hoa còn giải quyết việc làm ổn định cho hai lao động ở địa phương. Kinh tế ổn định nên ba người con của gia đình cũng có điều kiện học hành…
Tương tự, gia đình chị Trần Thị Thu Vân ở phường Cẩm An, TP. Hội An vay 70 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm để đầu tư sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ tre gỗ. Với số tiền này, gia đình đã mua nguyên liệu, giải quyết việc làm cho một số lao động với thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. Chị Vân chia sẻ, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình tôi có điều kiện phát triển kinh tế hiệu quả. Hiện, ngoài sản phẩm mỹ nghệ từ gốc tre, cơ sở còn mở rộng sang sản phẩm từ gỗ…
Đặc biệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW... đã góp phần quan trọng phát huy hiệu quả nguồn lự của tín dụng chính sách ở xứ Quảng.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong lãnh đạo, triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh được nâng lên và đạt nhiều kết quả quan trọng. HĐND tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tập trung huy động, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội bổ sung nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách.
Các tổ chức chính trị - xã hội các cấp nhận ủy thác và luôn đồng hành với các đối tượng tham gia vay vốn, giúp các hộ vay tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời, có hiệu quả, đảm bảo thực hiện tín dụng chính sách xã hội công khai, dân chủ, đúng chủ trương, đúng đối tượng... Có thể nói, Chỉ thị số 40-CT/TW được triển khai 10 năm qua trên địa bàn Quảng Nam đã khẳng định vai trò “kim chỉ nam” cho hoạt động tín dụng chính sách ở địa phương.
Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
Trao đổi với thoibaonganhang,vn, bà Lê Thị Kim Anh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh Quảng Nam cho biết, thời gian qua đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các sở, ngành, chính quyền các cấp tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, thực hiện tốt công tác đôn đốc, thu hồi, xử lý, quản lý nợ, phòng ngừa nợ xấu phát sinh. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là 13,1 tỷ đồng (chỉ chiếm tỷ lệ 0,17% tổng dư nợ). Toàn tỉnh có 3 đơn vị không có nợ quá hạn là Phước Sơn, Đông Giang và Hội An.
Đến nay, dư nợ ủy thác của chi nhánh đạt 7.819 tỷ đồng, tăng 439 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm 99,7% tổng dư nợ. Trong đó, Hội phụ nữ chiếm 40,4%; Hội Nông dân chiếm 31,8%; Đoàn Thanh niên chiếm 13,9%; Hội Cựu chiến binh chiếm 13,9%.
Theo bà Đặng Thị Lệ Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Quảng Nam, các cấp hội đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh Quảng Nam, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác thông tin để người dân biết các chương trình cho vay ưu đãi để tiếp cận, đầu tư làm kinh tế. Để đồng vốn ưu đãi phát huy hiệu quả, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tập trung hướng dẫn người vay qua đào tạo nghề, tạo việc làm, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm & vay vốn bằng cách làm tốt bình xét hộ vay, đôn đốc hộ vay trả nợ gốc, trả lãi và gửi tiết kiệm...
Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch tín dụng năm 2024, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Trưởng ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, đã yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội đoàn thể nhận ủy thác thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn. Nâng cao chất lượng công tác quản lý và xử lý nợ bị rủi ro, đảm bảo việc xử lý nợ bị rủi ro kịp thời, đúng đối tượng, khách quan. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các thành viên Ban đại diện các cấp theo kế hoạch năm 2024, chú trọng việc kiểm tra theo định kỳ hằng quý của Chủ tịch UBND cấp xã; thành lập các đoàn kiểm tra toàn diện, kiểm tra chuyên đề; theo dõi các đơn vị thực hiện kiểm tra theo kế hoạch và chỉnh sửa, khắc phục những tồn tại, sai sót phát hiện qua kiểm tra và kết luận của các đoàn kiểm tra.
Để tiếp tục phát huy nguồn lực tín dụng chính sách, địa phương cũng cần quan tâm bổ sung thêm nguồn vốn ngân sách tỉnh qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, ổn định sinh kế; phát triển các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (sản phẩm OCOP); cho vay duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống; phát triển du lịch nông thôn,… trên địa bàn tỉnh. UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan, UBND cấp xã phối hợp với các Hội, đoàn thể nhận ủy thác, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện rà soát nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách để xây dựng kế hoạch tín dụng năm 2025 và giai đoạn 2025-2027 trên địa bàn đảm bảo sát với tình hình thực tế tại địa phương.
Trong khi đó, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội và chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội; hướng dẫn bình xét đúng đối tượng vay vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả; lồng ghép với các chương trình, dự án của các tổ chức chính trị - xã hội. Làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu...
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/quang-nam-phat-huy-nguon-luc-tin-dung-chinh-sach-153826.html