Quảng Nam: Sạt lở gây cô lập 450 hộ dân, lực lượng chức năng mở đường tạm cho dân đi
Sạt lở trên tuyến đường miền núi huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam khiến 450 hộ dân bị cô lập, lực lượng chức năng phải mở đường tạm cho dân đi.
Ngày 14/10, ông Ngô Tấn Lạc – Chủ tịch UBND xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, trên địa bàn xảy ra sạt lở khiến gần 450 hộ dân bị cô lập.
Theo đó, từ khuya ngày 12/10, tuyến đường ĐH3 qua địa bàn khu dân cư Tông Pua, thôn 3, xã Trà Cang bị sạt lở nặng, đất đá ở đồi núi đổ vùi xuống đường gây cô lập giao thông toàn tuyến về các thôn 1, thôn 2, thôn 3 của xã.
Tại hiện trường, hàng trăm khối đất đá, cây cối tràn xuống chắn ngang mặt đường.
Ông Lạc cho biết hiện chính quyền đã chỉ đạo cắm biển báo điểm sạt lở cho người dân biết, đồng thời huy động lực lượng quân sự, công an, dân quân và người dân mở tạm đường đi bộ tránh bên trên điểm sạt lở, trong khi chờ giải phóng khối lượng đất đá sạt lở.
Trước đó, trên địa bàn xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn cũng xảy ra vụ sạt lở ở tuyến đường ĐH5. Đất đá trên sườn núi bất ngờ sạt lở và tràn xuống đường ĐH5, đoạn qua thôn Tứ Nhũ, xã Quế Lâm, gây chia cắt khoảng 170 hộ dân.
Trong sáng nay, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh ra công điện chỉ đạo tập trung ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, chủ tịch UBND các địa phương đề cao cảnh giác, không được chủ quan, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, đồng thời chủ động, sẵn sàng ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và đợt mưa lũ tới.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ, nắm chắc thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão và mưa lũ. Chủ động triển khai bảo đảm an toàn cho tàu thuyền còn hoạt động trên biển và các hoạt động ven biển, đảo.
Khẩn trương rà soát, kiểm tra ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu dân cư, trường học, trụ sở để chủ động sơ tán người khỏi khu vực nguy hiểm. Kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.
Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ, hỗ trợ, hướng dẫn giao thông qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết bảo đảm an toàn. Bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm kịp thời hỗ trợ người dân sơ tán, cứu trợ, cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu. Kiểm tra, tháo dỡ kịp thời các vật cản lớn gây nguy hiểm trên sông, suối.
Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt. Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, bảo đảm nguồn cung cầu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở.
Ông Lê Trí Thanh cũng yêu cầu các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ, kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố. Theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên. Đồng thời thực hiện tốt việc thông báo, thông tin đến vùng hạ du, vận hành điều tiết hồ đảm bảo theo đúng quy trình vận hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thiên tai để kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục, thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Hạ Vĩ