Sạt lở nghiêm trọng bờ sông Vu Gia tại xã Đại An (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đang uy hiếp nhà cửa và đất sản xuất của nhiều hộ dân nơi đây.
Khoảng 2 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở sông Vu Gia, đoạn qua thôn Phú Nghĩa (xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) ngày càng nghiêm trọng, nhiều diện tích đất bị kéo tuột xuống sông vì sạt lở.
Khu vực sạt lở ngày càng mở rộng, khoét sâu vào làng, đe dọa nhà cửa, đất sản xuất.
Theo nhiều người dân tại đây, nguyên nhân khiến bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng như hiện nay là do tình trạng ngăn chặn dòng sông Quảng Huế, đắp đập tạm lấy nước về giải mặn cho thành phố Đà Nẵng.
Bà Huỳnh Thị Huệ (người dân thôn Phú Nghĩa) cho biết, bà sống ở đây gần 80 năm rồi nhưng chưa từng thấy cảnh tượng sạt lở này bao giờ. "Sau đợt mưa lũ vừa rồi, sạt lở rất khủng khiếp. Có những đêm sạt lở tận 20-40m, áp sát gần nhà dân. Mấy ngày nay, người dân chúng tôi mất ăn, mất ngủ, sống trong bất an. Nếu thêm đợt lụt nữa, thì nhà cửa, tài sản sẽ trôi theo dòng nước, không còn gì hết" bà Huệ buồn bã nói.
Mỗi ngày trôi qua, sợi dây cùng biển cảnh báo lại xê dịch dần vào khu vực phía trong khu dân cư vì sạt lở cứ tiếp diễn
2 cột điện lớn và đường dây trung thế cấp điện cho các xã Đại An - Đại Cường và một số xã vùng B huyện Đại Lộc chỉ các điểm sạt lở chưa đầy 5m.
Khoảng 1km bờ kè bảo vệ hai bên bờ sông Vu Gia bị đánh sập
Trước tình trạng đó, ghi nhận của phóng viên, sáng nay 20.10, chính quyền huyện Đại Lộc đã huy động tối đa lực lượng đến kè khu vực sạt lở
Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền địa phương đã giăng dây và lắp biển cảnh báo, cấm đến gần điểm sạt lở
Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc (bên trái) cũng đã trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ đạo khắc phục tình trạng sạt lở
Ông Quang cho biết, về trước mắt để đảm bảo an toàn cho người dân ở khu vực này, huyện đã tổ chức di dời khẩn cấp 7 hộ dân, đồng thời đã chỉ đạo các ngành huy động máy móc, vật tư và nhân lực để triển khai biện pháp kè bằng các bao tải cát, đóng các cọc tre để giữ chân mái taluy, hạn chế việc sạt lở. "Về lâu dài, huyện đã tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam, đề xuất phương án đầu tư lại tuyến kè này để phục hồi đất, có cơ sở giữ lại khu vực này. Kiến nghị tỉnh nghiên cứu đập ngăn nước dẫn về nhà máy nước Đà Nẵng. "Việc thực hiện đập ngăn này vào mùa khô, chúng tôi rất ủng hộ, tuy nhiên về mùa mưa, đập này sẽ tạo thành một cái thác, do đó giữa thượng lưu và hạ lưu đập tạo thành dòng chảy gây xói lở", ông Quang cho hay.
Qua khảo sát và đề xuất của các chuyên gia, huyện Đại Lộc sẽ sớm kiến nghị tỉnh Quảng Nam đầu tư lại con đập này theo hướng "đập có ngăn di động". Tức là, vào mùa khô sẽ đóng ngăn lại để dẫn nước về Đà Nẵng; vào mùa mưa thì mở ngăn ra để nước chảy tự do, hạn chế được sạt lở.
Trong đợt mưa bão vừa qua, trên địa bàn huyện Đại Lộc diễn ra tình trạng sạt lở nặng tại nhiều khu vực. Riêng tổng diện tích bị sạt lở khu vực này gần 1,5 hecta, ăn sâu vào các công trình, dân sinh