Quảng Nam: Sau lũ, nhiều thầy cô mất chốn an cư…
Lội qua dòng nước lũ ngập ngang đến cổ, thầy giáo Nguyễn Thương Tình (Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Giáp – Bắc Trà My – Quảng Nam) di chuyển gần 20 người gồm người già, trẻ nhỏ đến nơi an toàn.
Nhưng căn nhà của thầy bị lũ cuốn trôi cùng với toàn bộ tài sản tích cóp được.
Con heo đất chuẩn bị cho vợ sinh cũng mất!
Từ sau cơn bão số 9 cho đến nay, vợ chồng thầy giáo Nguyễn Thương Tình phải ở nhờ nhà một người dân tại thôn 1, xã Trà Ka. “Nhà cửa bị sập do lũ cuốn trôi. Tài sản vợ chồng em tích cóp được coi như mất hết. Từ tivi, tủ lạnh, máy tính, cả mấy con heo đất tiết kiệm cho vợ chuẩn bị sinh nở cũng trôi theo lũ dữ. May còn chiếc xe máy, hôm đó cho bạn mượn chứ không cũng trôi luôn rồi” – thầy Tình ngậm ngùi kể.
Chiều 28/10, nước lũ sông Tang và suối Xà Nu ở khu vực thôn 1 xã Trà Ka dâng cao. Nhà ở sát sông nên vợ chồng thầy Tình sang nhà hàng xóm ở gần đó tránh tạm. “Khi thấy bà xã đã an toàn, tôi mặc áo mưa đi ra sông xem tình hình thì thấy nước sông lên rất nhanh, chảy cuồn cuộn. Tôi đi một vòng dặn dò bà con đừng đi ra ngoài để đề phòng tôn bay.
Ở đây gần chục năm, chưa bao giờ nước lên cao mà nhanh như thế. Vừa ăn cơm trưa xong thì nhận được điện thoại của anh Trần – Chủ tịch xã nhờ đi vận động bà con trong khu vực di dời lên những nhà cao, an toàn để tránh lũ. Anh Trần nói gấp gáp rằng giờ nước lớn rồi, đường lại đang sạt lở, tắc nhiều chỗ không xuống đến khu vực thôn 1 được”. Chỉ kịp ngoái lại dặn dò vợ, thầy Tình tất tả lội nước tìm đến những nhà gần sát sông để ứng cứu.
Bà Nguyễn Thị Lan kể lại: “Thấy nước lên nhanh quá, nhà lại toàn con nít với người già, tui quýnh quá không nghĩ ra được chi hết. Cả nhà đứng hết lên bàn. 4 người lớn bồng 4 đứa con nít lít nhít mà không dám rục rịch. Lúc thầy Tình lội vô đến nhà tui là nước đã ngang đến cổ của thầy rồi.
Thầy bồng 2 đứa nhỏ cho lên mái đà của nhà rồi nhanh chóng bồng 2 đứa nhỏ nhất, mới có 1 tuổi đưa ra ngoài. Cứ thế, 4 đứa cháu nhà tui được thầy đưa lên chỗ an toàn. Bốn người lớn tụi tui biết bơi mà thấy nước chảy xiết quá cũng không dám bơi ra khỏi nhà. Thầy Tình phải dìu 3 người lớn tuổi nhà tui ra ngoài rồi cứ rứa bơi lên đến nhà anh Lực – nhà cao ráo nhất xóm”.
Dù đã thấm mệt sau 3 vòng lội trong nước xiết để di chuyển 8 người già và trẻ nhỏ, nhưng sực nhớ ra hộ gia đình phía sau nhà bà Lan cũng sẽ bị ngập sâu, thầy Nguyễn Thương Tình lại quay trở lại. “Nhà đó có một cụ già, 2 em nhỏ và một em bé một tháng tuổi. Tôi bơi qua thì thấy bác chủ nhà người đã ngâm trong nước, tay đang ẵm em bé đưa lên cao.
Mẹ bé dù mới sinh cũng phải ngâm mình trong nước lạnh. Lúc đó em vứt áo mưa luôn. Đưa được 2 em bé lên gác mái an toàn, tôi bồng em bé nhỏ nhất qua nhà anh Lực rồi kiếm 2 cái can quay lại dìu 2 em bé đưa ra ngoài. Lúc đó là sức mình đã đuối lắm rồi. Chặng đường 15m nước ngập ngang đến cổ mà thiệt sự thấy quá dài” – thầy Tình kể.
Thầy Tình gọi thêm một số thanh niên trong xóm cùng hỗ trợ để quay lại đưa bà con lên đồi tránh bị nước lũ cuốn. “Khi tất cả bà con của những nhà ngập sâu trong xóm đứng được trên đồi an toàn thì nhà em cũng vừa sập” – thầy Tình ngậm ngùi. Mọi tài sản trong căn nhà trống toác cũng đã trôi theo dòng nước lũ. Thầy Tình chia sẻ rằng, lúc đấy, cứu người là bản năng rồi, “bà con mình nguy hiểm sao mình bỏ mặc được”.
Hỏi thầy Nguyễn Thương Tình giờ tính toán làm sao khi vợ sắp sinh đứa con đầu lòng. Thầy Tình cười buồn: “Thì rồi cũng phải vay mượn để làm lại căn nhà nhỏ nhỏ cho có chỗ chui ra chui vào”. Thế nhưng, bài toán an cư sẽ là quá khó đối với cặp vợ chồng trẻ đều là giáo viên này. Chỗ đất cũ, chính quyền xã không cho làm nhà nữa vì quá gần sông, sẽ không an toàn khi thiên tai ngày càng khắc nghiệt. Thầy Tình cũng đã hỏi thủ tục vay mượn ngân hàng để tìm mua đất, dựng lại nhà nhưng vẫn chưa được duyệt.
Chưa một lần ở trong căn nhà mới
Gia đình cô giáo Hồ Thị Dung (GV môn Ngữ văn, Trường THPT Dân tộc nội trú Phước Sơn (Huyện Phước Sơn, Quảng Nam) vẫn tiếp tục ở nhờ nhà người bác. Tích cóp trong nhiều năm liền từ đồng lương giáo viên của vợ và lương công nhân của chồng, vay thế chấp sổ lương thêm 150 triệu đồng, mượn thêm của anh em bạn bè thêm chừng 50 triệu nữa, vợ chồng cô Dung xây được căn nhà ở thôn 2 xã Phước Thành.
Nhà vừa xây xong, chỉ còn lắp cửa nữa là hoàn thiện thì đúng đợt bão số 9. Để bảo đảm an toàn, Trường THPT Dân tộc nội trú Phước Sơn giữ chân HS ở lại trường. Cô Dung được phân công ở lại cùng với HS, vừa tham gia chống bão, vừa chăm sóc cho các em.
Lũ quét ập đến. Căn nhà của vợ chồng cô Hồ Thị Dung bỗng chốc trở thành đống đổ nát. Cô Dung nghẹn ngào: “Vợ chồng em chưa ở trong ngôi nhà mới được một ngày nào. Từ hôm bão xong, em chưa về lại Phước Thành. Chỉ có chồng em và mẹ em có về qua nhà. Giờ khu đất của nhà em đã thành suối.
Có muốn sửa sang, xây lại nhà cũng không thể được nữa. Mất. Nhà cũng không còn”. Món nợ ngân hàng để xây nhà, vợ chồng cô Dung vay mượn trong 5 năm, mỗi tháng trả 4,2 triệu cả gốc và lãi. Dù nợ trong nợ ngoài nhưng gia đình nhỏ ấy đã không còn một mái nhà để trở về.
Cô Phạm Thị Thứ - Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Phước Sơn ngậm ngùi: Ngoài trường hợp cô giáo Hồ Thị Dung đã bị cuốn trôi toàn bộ căn nhà vừa mới xây, trong cơn bão số 9, gia đình thầy giáo Hồ Văn Hiền cũng bị cuốn trôi toàn bộ tài sản, vật nuôi. “Dù công đoàn các cấp, đồng nghiệp gom góp hỗ trợ nhưng cũng chỉ mang tính chất động viên là chủ yếu” – cô Thứ chia sẻ.
“Hoàn cảnh của gia đình thầy Nguyễn Thương Tình đúng là trắng tay sau bão. Tất cả tài sản tích cóp được đều trôi theo lũ ống. Nhà chỉ còn lại một ít chén bát, xoong nồi. Hiện, hai vợ chồng thầy vẫn đang phải ở nhờ nhà của người dân. Trường có khu tập thể giáo viên nhưng hiện vợ thầy Nguyễn Thương Tình đang dạy học ở Trà Ka. Từ Tra Giáp muốn về Trà Ka phải đi qua một cống tràn. Bình thường thì không sao nhưng nếu trời mưa thì sẽ rất nguy hiểm, nhất là phụ nữ đang có bầu ở giai đoạn sắp sinh nên không thể chuyển ra ở khu tập thể được”.
Cô Hoàng Thị Lan – Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Giáp – Bắc Trà My – Quảng Nam