Quảng Nam: Sau sáp nhập huyện Quế Sơn và Nông Sơn, số lượng cấp phó sẽ tăng
Theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam, sau khi sáp nhập huyện Quế Sơn và Nông Sơn, số lượng cấp phó sẽ tăng.
Chiều 9-7, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và bổ sung nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.
Tại buổi họp báo, PV các cơ quan báo đài quan tâm đến nhiều vấn đề như: việc thực hiện sáp nhập huyện Quế Sơn và Nông Sơn, khôi phục phần vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam, giải pháp tháo gỡ dự án Home Land Paradise Village…
Thông tin về vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính, bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam, cho hay hiện nay Sở đã tham mưu, UBND tỉnh đang hoàn chỉnh đề án.
Tại phiên họp HĐND giữa năm 2024 sắp tới sẽ xem xét thông qua chủ trương về đề án này. Trong đó, nội dung sắp xếp bộ máy và nhân sự, Sở đã bám sát Nghị quyết 35 của Quốc hội, cũng như các văn bản của Trung ương, Bộ Nội vụ.
Bà Hoa cho biết, sau sáp nhập 2 đơn vị hành chính cấp huyện nói trên, việc tổ chức bộ máy sẽ sáp nhập nguyên trạng các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng với nhau.
“Công tác cán bộ, nhân sự, sẽ triển khai bám vào Nghị Quyết 35 cũng như các văn bản hướng dẫn. Sau sáp nhập, số lượng cấp phó sẽ tăng. Sau đó, trong thời hạn 5 năm sẽ bố trí về nguyên trạng”, bà Hoa nói và cho biết thêm, nguyên tắc sắp xếp cụ thể như thế nào thì chờ phương án chính thức, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua về mặt chủ trương.
Về việc sắp xếp trụ sở, tài sản công, sau khi sáp nhập sáp nhập huyện Quế Sơn và Nông Sơn, trong đề án trình HĐND vào phiên họp giữa năm, dự kiến trụ sở đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập sẽ làm việc tại các trụ sở của huyện Quế Sơn hiện nay.
Giám đốc Sở Nội vụ cho biết thêm, cụ thể việc bố trí, sắp xếp, xử lý các trụ sở, tài sản dôi dư sau sáp nhập thì Sở Tài chính sẽ tham mưu trình UBND tỉnh, báo cáo Ban Thường vụ, các cơ quan Trung ương.
Thông tin thêm về việc sử dụng các trụ sở, tài sản công dôi dư sau sáp nhập, bà Phan Thị Thanh Thảo, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam, cho biết đơn vị đang phối hợp với Sở Nội vụ đề xuất sắp xếp theo quy định.
“Tới đây các địa phương sẽ có báo cáo cụ thể, Sở Tài chính phối hợp với Sở Nội vụ tích hợp vào đề án chung, sau đó căn cứ mục đích sử dụng từng loại hình cơ quan để thực hiện”, bà Thảo nói.
Về nội dung khôi phục phần vốn nhà nước tại Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam, bà Thảo cho biết, hiện nay tỉnh đã có tờ trình báo cáo Chính phủ cho ý kiến cụ thể. “Hiện nay chưa có chỉ đạo, khi có chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương thì tiếp tục thực hiện”, bà Thảo nói.
Kinh tế tăng trưởng dương sau 2 năm
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,7% so với cùng kỳ; tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã có chuyển biến tích cực, tạm thời chấm dứt đà tăng trưởng âm trong quý I (giảm 1,5%), đạt mức tăng trưởng dương vào quý II (tăng 6,5%).
Quy mô nền kinh tế gần 59 nghìn tỉ đồng; xếp vị thứ 26/63 tỉnh, thành phố; xếp vị thứ 7/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; xếp vị thứ 3/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung (sau Đà Nẵng và Bình Định).
Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 4,7% so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp tăng 4,4%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có mức đóng góp cao nhất, tăng 12%; ngành xây dựng tăng 6,1%. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 5,8%; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,8%.
Khu vực dịch vụ tăng 4,4% so với cùng kỳ. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch đạt 4,6 triệu lượt, tăng 18%; trong đó: khách quốc tế đạt gần 3,1 triệu lượt, tăng 27% và khách nội địa đạt 1,5 triệu lượt, tăng 4%. Doanh thu du lịch đạt 3.870 tỉ đồng, tăng 11% và thu nhập xã hội từ du lịch đạt 9.095 tỉ đồng.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đảm bảo tiến độ; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,0% so với cùng kỳ.