Quảng Nam sửa phương án đặt tên xã, phường, không đặt theo số 1, 2, 3

Quảng Nam thống nhất không đặt tên các xã, phường mới theo cách gọi tên huyện cũ cộng với số thứ tự 1, 2, 3... mà sử dụng tên gọi gắn liền với các di tích lịch sử, trầm tích văn hóa.

Ngày 21/4, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành nghị quyết thông qua phương án đặt tên cho các xã, phường mới trên địa bàn, thay thế phương án cũ đã ban hành.

Trước đó, ngày 18/4, Quảng Nam đã ban hành nghị quyết về sắp xếp 233 đơn vị hành chính cấp xã cũ thành 88 đơn vị hành chính cấp xã mới.

Tên gọi các xã sau sắp xếp của TP Tam Kỳ gồm các phường: Tam Kỳ, Tam Kỳ Đông, Tam Kỳ Nam, Tam Kỳ Bắc; TP Hội An gồm các phường: Hội An, Hội An Đông, Hội An Tây và xã Tân Hiệp (đảo Cù Lao Chàm).

Còn lại các huyện, thị của Quảng Nam được đặt tên xã, phường mới theo cách lấy tên huyện thị, kèm số thứ tự 1,2,3…

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết, tổ chức lấy ý kiến người dân trong 2 ngày 19 - 20/4, có 99,02% cử tri đại diện hộ gia đình trên toàn tỉnh tham gia ý kiến. Trong đó, 97,66% tán thành với việc sắp xếp cấp xã và 98,52% tán thành việc hợp nhất Quảng Nam với Đà Nẵng.

Tuy nhiên, nhiều cử tri đã có kiến nghị đặt tên theo các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương.

Theo phương án mới, TP Hội An (Quảng Nam) sẽ còn 3 phường và 1 xã: phường Hội An, phường Thanh Châu, phường Thanh Hà và xã Tân Hiệp. Ảnh: Hà Nam

Theo phương án mới, TP Hội An (Quảng Nam) sẽ còn 3 phường và 1 xã: phường Hội An, phường Thanh Châu, phường Thanh Hà và xã Tân Hiệp. Ảnh: Hà Nam

Sau khi lắng nghe ý kiến của người dân, Quảng Nam thống nhất không đặt tên các xã phường mới theo cách gọi tên huyện cũ cộng với số thứ tự 1, 2, 3... hoặc theo phương hướng đông, tây, nam, bắc... Thay vào đó, sử dụng tên gọi gắn liền với các di tích lịch sử, trầm tích văn hóa có tính đại diện của mỗi vùng đất.

Theo đó, nhiều tên đất, tên làng, dòng sông, con suối, hay di sản văn hóa nổi tiếng của Quảng Nam đã được đặt tên cho các xã mới, phường mới, như: Thanh Châu, Thanh Hà (thuộc TP Hội An hiện nay); Hương Trà, Bàn Thạch, Quảng Phú (thuộc TP Tam Kỳ hiện nay); A Vương, Bến Hiên (thuộc huyện Đông Giang hiện nay); Tài Đa, Sơn Cẩm Hà (thuộc huyện Tiên Phước hiện nay); Phú Ninh, Chiên Đàn, Tây Hồ (thuộc huyện Phú Ninh hiện nay)...

Ngoài ra, những cái tên thân thuộc như Mỹ Sơn, Vu Gia, Thu Bồn, Gò Nổi, Bến Giằng, Chợ Được, Bình Dương... cũng được đặt cho các xã mới.

Sẽ thông qua chủ trương sắp xếp tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định vào ngày 28/4

Sáng 21/4, Giám đốc Sở Nội vụ Bình Định Lê Minh Tuấn cho biết, trong 2 ngày (19 và 20/4), tất cả các tổ lấy ý kiến cử tri tại các thôn, khu phố thuộc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã triển khai tổ chức lấy ý kiến của cử tri về việc sáp nhập tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định thành 1 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Gia Lai và sắp xếp, tổ chức lại 58 đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Giám đốc Sở Nội vụ Bình Định Lê Minh Tuấn

Giám đốc Sở Nội vụ Bình Định Lê Minh Tuấn

Theo thống kê, đối với đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai với Bình Định, toàn tỉnh có gần 435.300 cử tri được lấy ý kiến thì có 98,38% cử tri đồng ý.

Ông Lê Minh Tuấn thông tin, để đảm bảo tiến độ hoàn thiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, từ ngày 21-24/4, HĐND của 154 xã, phường, thị trấn (trừ xã Nhơn Châu) sẽ họp để xem xét, thông qua kết quả lấy ý kiến cử tri đối với đề án sắp xếp tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Sau đó, HĐND của 11 huyện, thị xã, thành phố sẽ tổ chức họp để xem xét, thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp.

"Dự kiến, ngày 28/4, HĐND tỉnh sẽ tổ chức kỳ họp để thông qua chủ trương sắp xếp tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh", Giám đốc Sở Nội vụ Bình Định Lê Minh Tuấn cho hay.

Hà Nam

Nguyễn Hiền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/quang-nam-sua-phuong-an-dat-ten-xa-phuong-khong-dat-theo-so-1-2-3-2393535.html