Quảng Nam: Tan giấc mộng 'vàng trắng' từ dự án cao su

Từ một dự án 'khủng' được kỳ vọng sẽ da đổi thịt mảnh đất cằn miền Tây xứ Quảng, nay đứng trước nguy cơ vỡ tan. Dự án quy hoạch trồng cây cao su rộng hơn 13 ngàn ha này đang bị cơ quan có thẩm quyền thanh tra.

Ông Hồ Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, huyện đã có báo cáo trình tỉnh về những bất cập, tồn tại thời gian qua liên quan đến một dự án cao su trên địa bàn. Theo vị này, thực tế hiện tại là rất đáng lo ngại. Người dân thì bức xúc, doanh nghiệp cũng có lý do riêng. “Hiện, UBND tỉnh Quảng Nam đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra dự án và các vấn đề khác. Dự kiến đầu năm 2018 sẽ có kết quả”, ông Minh nói thêm.

Câu chuyện này liên quan đến Quy hoạch dự án trồng cao su trên địa bàn huyện Đông Giang, rộng hơn 13 ngàn ha, do Công ty CP Công nghiệp cao su Quảng Nam thực hiện. Dự án được UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương tiến hành vào năm 2008. Theo các tài liệu, dự án chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, chủ đầu tư thực hiện hơn 4 ngàn ha ở các xã Ba, Tư và A Ting. Giai đoạn 2, tiến hành trên diện tích ở các xã Jơ Ngây, Sông Kôn, Tà Lu, Za Hung, Arooih, Ma Cooih, Kà Dăng và P’rao.

Nghịch lý đang xảy ra khi hàng chục ha đất bị hoang hóa, lãng phí trong khi dân lại cần đất để trồng trọt

Nghịch lý đang xảy ra khi hàng chục ha đất bị hoang hóa, lãng phí trong khi dân lại cần đất để trồng trọt

Ông Dương Đức Phúc (người dân xã Ba) ví von rằng, năm 2008, cả xã rộn ràng khi dự án trên được triển khai. Cây cao su thời đó có giá trị lợi nhuận vô cùng lớn, người dân còn gọi đùa là “vàng trắng”. Không chỉ chủ đầu tư mà người dân cũng tin tưởng rằng cây cao su sẽ mang lại giá trị kinh tế cho mảnh đất cằn này, dự án về sẽ thay đổi diện mạo quê hương, thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút đầu từ, sẽ có thêm công ăn việc làm, hay sẽ được hỗ trợ đền bù…

Theo chủ trương, người dân các xã nằm trong vùng dự án bàn giao đất rừng, đất trồng keo lại. Ông Phúc kể, ông cũng bàn giao 1,8ha rừng trồng keo cho dự án để nhận 14 triệu đồng. “Tôi đất ít, chứ nhiều hộ dân khác bàn giao hàng chục ha đất trồng keo. Tính sơ sơ khối lượng đền bù cho dân cũng mấy tỷ bạc”, ông Phúc nói.

Các số liệu cho thấy, doanh nghiệp tiến hành thu hồi và đền bù cho người dân 931/4.000ha được cấp phép trong giai đoạn 1. Trên cơ sở này, UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy chứng nhận sử dụng đất và cho phép doanh nghiệp bắt đầu tiến hành trồng cao su.

Người dân Đông Giang kể rằng, ngay khi nhận đất, doanh nghiệp kéo máy móc ùn ùn về làng xã. Máy nổ rền vang cả vùng sơn cước heo hút. Thậm chí, doanh nghiệp còn xây cả trụ sở làm việc khiến người dân vui mừng, tin tưởng vào những tín hiệu tích cực mà dự án mang lại.

Vậy mà, giấc mộng “vàng trắng” đến nay vẫn dậm chân tại chỗ. Gần 10 năm trời, doanh nghiệp cũng chỉ trồng được 588/911ha cao su được cấp phép trong giai đoạn 1. Số diện tích đất còn lại trong giai đoạn 1 và toàn bộ giai đoạn 2 vẫn chưa được thực hiện.

Theo chân người dân địa phương, chúng tôi khảo sát một số vị trí thuộc xã Ba, xã Tư - nơi dự án đã tiến hành được gần chục năm nay. Tại đây, nhiều ngọn đồi lưa thưa vài cây cao su nếu không muốn nói là đồi hoang. Các vùng khác, cây cao su còi cọc, chết, hoang hóa cây dại.

Sự phát triển của dự án cây cao su ở miền Tây Quảng Nam chưa đúng với kỳ vọng

Sự phát triển của dự án cây cao su ở miền Tây Quảng Nam chưa đúng với kỳ vọng

Nghịch lý buồn này khiến người dân bức xúc. Theo phản ánh của họ, trước đó, thực hiện theo chủ trương chung họ đã giao đất, giao rừng một cách nhanh chóng cho doanh nghiệp với hy vọng đơn vị chủ đầu tư sẽ làm tốt dự án, phát triển kinh tế địa phương, tạo thêm công ăn việc làm. Bây giờ dự án trì trệ, đất đai hoang hóa trong khi người dân lại thiếu những vùng đất để sản xuất, nuôi trồng.

Thực tế đáng báo động này chưa dừng lại. Do doanh nghiệp để đất hoang hóa, trong khi người dân cần đất để canh tác nên một bộ phận không nhỏ đã tự ý lấn đất dự án để trồng keo. Thậm chí, nhiều khu vực xa còn xuất hiện tình trạng người dân chặt phá cao su để lấy đất cho riêng mình. Nhiều hệ lụy buồn, có trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp giữa doanh nghiệp và người dân buộc chính quyền phải vào cuộc can thiệp.

Ông Nguyễn Xuân Nghiêm, Chủ tịch UBND xã Ba cho biết, trên địa bàn xã có 50/673ha cao su bỏ hoang. Điều này khiến người dân băn khoăn, hoài nghi về hiệu quả của dự án và liên tục kiến nghị trả lại đất cho người dân trồng trọt.

Trong khi đó, đại diện Công ty CP Công nghiệp cao su Quảng Nam cho rằng, hiện doanh nghiệp cũng rất trăn trở khi dự án chưa phát triển được như kỳ vọng. Xung quanh vấn đề này còn nhiều lý do vượt tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Thứ nhất, ngoài yếu tố khách quan như giá cao su biến động theo chiều hướng xấu nên công ty gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, diện tích quy hoạch toàn núi đồi, hiểm trở nên việc triển khai máy móc, làm việc khó khăn. Hơn nữa, việc trồng cao su là theo vụ mùa nên công ty tập trung công nhân tùy giai đoạn, chứ không phải bỏ mặc dự án như người dân vẫn nghĩ.

Quảng Thân

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/quang-nam-tan-giac-mong-vang-trang-tu-du-an-cao-su.html