Quảng Nam: Tập trung nguồn hỗ trợ giáo dục mầm non

HĐND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm mon.

Giáo dục mầm non vùng khó tỉnh Quảng Nam có thêm động lực phát triển. Ảnh minh họa

Giáo dục mầm non vùng khó tỉnh Quảng Nam có thêm động lực phát triển. Ảnh minh họa

Cô trò cùng thụ hưởng

Đối tượng áp dụng là trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non (CSGDMN) thuộc loại hình dân lập, tư thục được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định. Đồng thời, có cha mẹ hoặc người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định.

Nhóm đối tượng thứ 2 là GV MN đang làm việc tại các cơ sở GDMN thuộc loại hình dân lập, tư thục được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định ở địa bàn có khu công nghiệp. GV MN, gồm cả hiệu trưởng, hiệu phó, chủ nhóm, tổ trưởng chuyên môn đang làm việc tại các cơ sở GDMN dân lập, tư thục được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định.

Ngoài ra, còn có các cơ sở GDMN công lập ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, xã thuộc vùng khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trẻ em. Cơ sở GDMN độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp đã được cấp phép thành lập có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.

Cụ thể, sẽ hỗ trợ 160.000 đồng/trẻ/tháng, tính theo số tháng học thực tế và không quá 9 tháng/năm học; Hỗ trợ 800.000 đồng/tháng, tính theo số tháng dạy thực tế trong năm học, đối với GV. Hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Mức hỗ trợ tương đương với GV công lập.

Hỗ trợ 2,98 triệu đồng/tháng/45 trẻ từ ngân sách Trung ương và địa phương. Hỗ trợ kinh phí (một lần) mua sắm đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ em và CSVC với các mức: Quy mô dưới 4 nhóm, lớp được hỗ trợ 20 triệu đồng/cơ sở, tư 4 - 7 nhóm, lớp: 30 triệu đồng, 8 - 11 nhóm, lớp: 40 triệu đồng; 12 nhóm, lớp trở lên: 50 triệu đồng.

Kinh phí thực hiện từ ngân sách Trung ương khoảng 3,4 tỷ đồng/năm; ngân sách của tỉnh khoảng 7 tỷ đồng/năm, từ năm thứ 2 trở đi khoảng 5,5 tỷ đồng/năm.

Một điểm trường mầm non ở xã Trà Vân (Nam Trà My, Quảng Nam).

Một điểm trường mầm non ở xã Trà Vân (Nam Trà My, Quảng Nam).

Hút thí sinh vào sư phạm mầm non

Bà Ngô Thị Kim Trâm – Chuyên viên phụ trách mầm non, Phòng GD&ĐT Núi Thành (Quảng Nam) cho biết: Những chính sách hỗ trợ cho GD mầm non sẽ góp phần thu hút giáo viên mầm non ngoài công lập, tạo sự ổn định và nâng cao chất lượng đội ngũ.

Hiện nay, chỉ tính riêng tại khu công nghiệp Tam Hiệp (Núi Thành), ngoài Trường Mầm non tư thục Hoa Sữa với quy mô 140 trẻ còn 6 cơ sở GDMN tư thục với quy mô dưới 70 trẻ và nhiều nhóm lớp độc lập tư thục. Tuy nhiên, theo bà Trâm, điều kiện cơ sở vật chất của các nhóm lớp này hầu hết mới chỉ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu do hạn chế về nguồn thu. GV ít được tạo điều kiện tham gia tập huấn, nâng cao nghiệp vụ.

Chính vì vậy, “sự hỗ trợ với nhiều đối tượng thụ hưởng, từ GV MN, cán bộ quản lý các cơ sở GDMN, đặc biệt là hỗ trợ cho trẻ mầm non sẽ cải thiện các điều kiện chăm só, giáo dục trẻ”. Với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/cơ sở GDMN có 4 nhóm lớp trở lên, các chủ nhóm lớp độc lập tư thục cho biết, họ sẽ ưu tiên mua sắm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ để thu hút trẻ đến trường. Với những nhóm lớp quy mô lớn, mức hỗ trợ cao hơn, các chủ nhóm lớp tính đến cải tạo cơ sở vật chất như khu vực vệ sinh, sân chơi cho trẻ…

Không giấu giếm, một số chủ cơ sở chia sẻ rằng, dù vật giá tăng nhưng gần như tiền ăn của trẻ không thể tăng được bởi ảnh hưởng dịch Covid-19, đời sống của công nhân cũng bấp bênh. Sự hỗ trợ đối với trẻ mầm non là con em công nhân sẽ giúp cải thiện chất lượng bữa ăn đáng kể cho trẻ.

Như chia sẻ của cô Trà Thị Lệ - Hiệu trưởng Trường Mầm non Phong Lan (huyện Nam Trà My, Quảng Nam), với số tiền hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mầm non tại trường đã giúp bữa ăn trưa của các bé đầy đủ dinh dưỡng theo yêu cầu, cải thiện đáng kể sức khỏe cho trẻ. “Trẻ cũng được hỗ trợ mua sắm học cụ nên giờ học của các bé sinh động, có điều kiện để hình thành các kỹ năng. Sự bắt nhịp với trẻ khi chuyển lên bậc tiểu học tốt hơn trước”.

Ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam nhận định: Đây là chính sách nhân văn góp phần giảm bớt khó khăn cho công nhân, GV mầm non, nhất là mầm non ngoài công lập và hỗ trợ tốt nhất các điều kiện cho trẻ đến trường.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/quang-nam-tap-trung-nguon-ho-tro-giao-duc-mam-non-luglzxjMg.html