Quảng Nam tìm nguyên nhân 4 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 19 người chết
Sáng nay (27/2), UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Ban ATGT Quốc gia tổ chức cuộc họp phân tích nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục liên quan 4 vụ tai nạn giao thông đường bộ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 19 người chết, 25 người bị thương.
Trong số 4 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ đầu năm đến nay có 3 vụ do các phương tiện từ các địa phương khác đi ngang qua địa phận tỉnh này gây tai nạn làm 16 người chết, 24 người bị thương.
Tại cuộc họp, ông Phan Đức Tiễn, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Nam cho rằng, nguyên nhân chủ quan do ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông khi đi không đúng phần đường, chở quá số người quy định, đi vào đường cấm, chạy quá tốc độ, không chú ý quan sát...
“4 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng thì có đến 3 vụ xảy ra vào ban đêm, 1 vụ xảy ra vào buổi sáng. Nguyên nhân tai nạn giao thông thì 2 vụ do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện, 1 vụ do phương tiện không đảm bảo an toàn do mất phanh và 1 vụ do sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông”, ông Tiến nhận định.
Ngoài các nguyên nhân chủ quan còn có nguyên nhân khách quan do tỉnh Quảng Nam nằm ở vị trí trung độ của cả nước. Xe từ các tỉnh, thành phố ở 2 khu vực Bắc – Nam khi đi qua địa bàn rơi vào thời điểm đêm khuya hoặc rạng sáng, lái xe trong trạng thái mệt mỏi. Thời tiết tại tỉnh Quảng Nam thường xuyên có mưa, sương mù dẫn đến tầm nhìn của lái xe bị ảnh hưởng.
Đường Hồ Chí Minh và nhiều tuyến tại khu vực miền núi có địa hình quanh co. Đại diện Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc tổ chức giao thông trên Quốc lộ 1A và các tuyến đường tỉnh còn nhiều bất cập. Hiện có 39 km trên Quốc lộ 1A qua địa phận tỉnh này không có đường cho xe thô sơ, phương tiện giao thông kết nối hỗn hợp; 8km không có dải phân cách.
Tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ GTVT xem xét mở rộng Quốc lộ 1A, đặc biệt là tại các vị trí trước trường học, điểm dừng của xe buýt. Tỉnh cũng kiến nghị Bộ GTVT sớm rà soát, tổ chức lại hệ thống an toàn giao thông trên các tuyến Quốc lộ qua địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, cần có giải pháp kiểm soát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô, trong đó sớm bổ sung quy định xử phạt đối với đơn vị kinh doanh vận tải không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hằng tháng. Cục Đường bộ Việt Nam cần nâng cấp phần mềm Hệ thống thiết bị giám sát hành trình, vì hiện nay việc cập nhật, tổng hợp trên phần mềm này có độ trễ nhất định.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị Công an tỉnh Quảng Nam sớm điều tra, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến 4 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng vừa xảy ra trên địa bàn, xử lý nghiêm để răn đe, rút ra bài học kinh nghiệm.
Ông Khuất Việt Hùng đặt câu hỏi, đường ven biển Võ Chí Công dù đã cắm biển cấm xe khách, xe tải lưu thông nhưng tại sao xe tải và xe khách vẫn lưu thông lâu nay? Tỉnh Quảng Nam cần tăng cường xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị tỉnh Quảng Nam và các địa phương cần tăng cường công tác quản lý đối với các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn. “Cấp giấy phép thì anh quản lý như thế nào, theo dõi, giám sát, tổng hợp ra sao? Đơn vị kinh doanh vận tải phải có quy trình quản lý an toàn giao thông. Trong quy trình đó phải xác định rõ trách nhiệm của 1 người theo dõi, giám sát thường xuyên xe của mình khi nào hoạt động nếu có vi phạm thì nhắc nhở để sớm chấn chỉnh, xử lý”.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh sẽ tổng rà soát, kiểm tra tình hình an toàn giao thông trên địa bàn; tập trung kiểm soát các đơn vị kinh doanh vận tải, quản lý bến, đẩy mạnh hoạt động thanh tra giao thông.
Ông Lê Trí Thanh đề nghị Sở GTVT tỉnh thống kê các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông mang tính thường xuyên để sớm đưa ra biện pháp xử lý, chấn chỉnh; đánh giá lại các tuyến Quốc lộ trên địa bàn, có biện pháp quản lý chặt chẽ hành lang an toàn giao thông: Khẩn trương rà soát các vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Ngoài các điểm đen đã được xác định, cần xác định lại trách nhiệm quản lý của các đơn vị tương ứng. Đường nào thuộc quản lý của Bộ GTVT, đường nào do tỉnh quản lý, đường nào do cấp huyện quản lý…để yêu cầu tang cường công tác đảm bảo an toàn giao thông./.