Quảng Nam ưu tiên phát triển công nghiệp ô tô, cơ khí
Thời kỳ 2021-2030, Quảng Nam ưu tiên phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, sản phẩm cơ khí máy nông nghiệp, thiết bị công nghiệp.
Vấn đề định hướng phát triển công nghiệp được UBND tỉnh Quảng Nam đặc biệt quan tâm tại Hội thảo góp ý Báo cáo giữa kỳ Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức vào hôm nay (4/6).
Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ông Lê Trí Thanh cho biết, đây là hội thảo rất quan trọng đối với sự phát triển của Quảng Nam trong chặng đường sắp tới. Chính vì thế, ông mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp cho đồ án quy hoạch về những ưu, nhược điểm và tìm thêm các phương án, đề xuất những đột phá mới để địa phương thực hiện.
Theo thông tin, kinh tế Quảng Nam có sự tăng trưởng nhanh, cao hơn so với bình quân cả nước và nhiều tỉnh trong vùng. Quy mô nền kinh tế tỉnh nằm trong nhóm 20 tỉnh/thành phố lớn nhất Việt Nam và đứng thứ 4 trong Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Quy mô và cơ cấu kinh tế địa phương đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành tỉnh có tiềm lực kinh tế, thị trường, thu hút các dự án đầu tư.
Quảng Nam là tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nằm lân cận các trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn là Đà Nẵng và Khu kinh tế Dung Quất nằm trên các tuyến giao thông chính và các tuyến quốc lộ thuộc hành lang kinh tế Đông – Tây nên có rất nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển.
“Cuối năm nay tỉnh Quảng Nam sẽ trình Thủ tướng Chính phủ đồ án quy hoạch hoàn chỉnh, trước khi trình sẽ có hội thảo cuối kỳ và dự kiến trong quý 1-2023, đồ án quy hoạch tỉnh được thông qua để làm căn cứ thực hiện”, ông Thanh nói.
Theo quy hoạch mục tiêu của tỉnh đến năm 2030, Quảng Nam sẽ trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển toàn diện văn minh, hiện đại, mọi người dân thuộc tầng lớp trung lưu và khá giả của xã hội Việt Nam.
Theo định hướng phát triển ngành công nghiệp, Quảng Nam sẽ tập trung, ưu tiên phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, sản phẩm cơ khí trong một số lĩnh vực máy nông nghiệp, thiết bị công nghiệp. Phát triển khu phức hợp ô tô Chu Lai - Trường Hải tại Khu công nghiệp Tam Hiệp, Tam Anh có quy mô ngang tầm khu vực. Đặc biệt, hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực, bao gồm công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất các ngành công nghiệp. Thúc đẩy phát triển dự án Trung tâm khí điện miền Trung gắn với phát triển các dịch vụ công nghiệp - dịch vụ hậu cần cảng biển, sân bay và một số ngành công nghiệp sử dụng năng lượng khí. Tăng cường liên kết, phân bố phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Nam và trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp tỉnh Quảng Nam có một số nhóm ngành/sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đại, chuyên môn hóa cao, gắn với phát triển ổn định và bền vững; Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành khu kinh tế động lực của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.
Trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đại biểu cho rằng, Quảng Nam cần phát huy các lợi thế, tiềm năng vượt trội, tận dụng hiệu quả các cơ hội trong và ngoài nước đưa Quảng Nam trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại, một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung cùng với Đà Nẵng và Quảng Ngãi.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải nhìn nhận, Quảng Nam cần tiếp tục phát triển mạnh mẽ lĩnh vực logictics để phát triển kinh tế chung. Theo ông Dương, việc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thưc PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) chính là một ưu thế lớn mà ít địa phương có được. “Từ việc phát triển đồng bộ công nghiệp với logictics, Quảng Nam sẽ trở thành vùng sản xuất của khu vực, từ đó thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đến với địa phương, góp phần vào việc đưa kinh tế địa phương phát triển ngang tâm với các thành phố lớn trên cả nước và khu vực”, ông Dương nói.
Hội thảo lần này sẽ diễn ra trong hai ngày 4 và 5/6 dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến tại các điểm cầu. Tham dự hội thảo có hơn 200 đại biểu đại diện các bộ, ngành Trung ương, đại diện các tỉnh thành giáp ranh cùng các chuyên gia, đại diện các hội, hiệp hội trên địa bàn tỉnh và các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước.
Hạ Vĩ