Quảng Nam yêu cầu vận hành hạ dần mực nước tại 4 hồ thủy điện
Quảng Nam vừa có văn bản yêu cầu các chủ hồ chứa nước thủy điện vận hành hạ dần mực nước các hồ chứa thủy điện: Đak Mi 4, Sông Bung 2, Sông Bung 4 và A Vương về cao trình mực nước cao nhất trước lũ.
Ngày 16/10, Trưởng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty Cổ phần Thủy điện Đak Mi, Công ty Thủy điện Sông Bung, Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương tổ chức vận hành tăng lưu lượng nhằm hạ dần mực nước các hồ chứa thủy điện: Đak Mi 4, Sông Bung 4, A Vương về cao trình mực nước cao nhất trước lũ trước 17 giờ 30 phút ngày 18/10.
Theo đó, các chủ hồ chứa nước thủy này trên bắt đầu vận hành điều tiết nước từ 17 giờ 30 phút ngày 16/10.
Cụ thể, hồ thủy điện Đak Mi 4 với mức lưu lượng bằng lưu lượng về hồ cộng thêm từ 150 đến 300m3/s; hồ thủy điện Sông Bung 4, với mức lưu lượng bằng lưu lượng về hồ cộng thêm từ 300 đến 400m3/s; hồ thủy điện A Vương với mức lưu lượng bằng lưu lượng về hồ cộng thêm từ 50 đến 150m3/s. Đối với hồ thủy điện Sông Bung 2 về cao trình mực nước cao nhất trước lũ trước 17 giờ 30 phút ngày 17/10.
Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các chủ hồ thủy điện này cần chuyển chế độ vận hành theo quy định tại điểm b, điểm c Khoản 1 Điều 8 tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn. Việc tổ chức vận hành phải bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du hồ chứa.
Tiếp tục tổ chức thực hiện việc thông tin, thông báo đến chính quyền, nhân dân vùng hạ du về công tác vận hành, điều tiết hồ; thường xuyên cung cấp bản tin dự báo lũ về hồ và số liệu mưa các trạm đo trên lưu vực hồ về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để theo dõi, kịp thời ứng phó.
Chiều cùng ngày, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị ủy ban nhân dân các huyện: Phước Sơn, Đông Giang, Nam Giang, Đại Lộc và thị xã Điện Bàn tiếp tục thực hiện các nội dung bảo đảm an toàn về người, tài sản, các hoạt động trên sông, ven sông khi các thủy điện vận hành điều tiết nước về hạ du.
Trước đó, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cũng đã phát đi công điện đề nghị Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh tập trung khắc phục hậu quả do các đợt mưa lũ thời gian qua và chủ động ứng phó thiên tai thời gian đến.
Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương ven biển thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển và vị trí của bão, tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, bảo đảm an toàn về người và tài sản; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với thuyền trưởng, chủ các phương tiện để xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra.
Tổ chức kiểm đếm phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản của nhân dân vùng ven biển, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản; các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển để ứng phó với bão số 6. Các lực lượng cứu nạn, cứu hộ duy trì lực lượng và phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.
“Tiếp tục hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến bảo đảm an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội; hướng dẫn di chuyển, gia cố bảo đảm an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản”, Trưởng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh lưu ý.