Quảng Nam yêu cầu vận hành hạ mực nước tại 3 hồ thủy điện
Ngày 29/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đã có công văn yêu cầu đơn vị chủ hồ thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh vận hành hạ dần mực nước 3 hồ thủy điện về mực nước cao nhất trước lũ.
Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam yêu cầu: Công ty Thủy điện Sông Bung, Công ty cổ phần Thủy điện A Vương và Công ty cổ phần Thủy điện Đak Mi tổ chức vận hành luân phiên 12 giờ nhằm hạ dần mực nước các hồ chứa các thủy điện: Sông Bung 4, A Vương, Đak Mi 4 về cao trình mực nước cao nhất trước lũ, trước 19 giờ ngày 5/10.
Đồng thời chuyển chế độ vận hành theo quy định tại điểm b, điểm c Khoản 1 Điều 8 Quy trình 1865 theo Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh lưu ý, việc tổ chức vận hành phải bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du hồ chứa.
Các đơn vị chủ 3 hồ này cần thông tin, thông báo đến chính quyền, nhân dân vùng hạ du về công tác vận hành, điều tiết hồ; thường xuyên cung cấp bản tin dự báo lũ về hồ và số liệu mưa các trạm đo trên lưu vực hồ về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Cũng trong ngày 29/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đã có công văn đề nghị UBND các huyện: Phước Sơn, Đông Giang, Nam Giang, Đại Lộc và thị xã Điện Bàn tổ chức thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy; các bến đò, ngầm tràn; các hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi biết thông tin điều tiết các hồ chứa thủy điện để chủ động các biện pháp phòng tránh bảo đảm an toàn về người, tài sản.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các địa phương tiến hành rà soát phương án phòng, chống lũ bảo đảm an toàn cho vùng hạ du, các khu vực sạt lở bờ sông để sẵn sàng ứng phó; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng tránh lũ cho người dân và các cơ quan, đơn vị liên quan để chủ động ứng phó; nghiêm cấm việc vớt củi, đánh bắt cá trên sông, trên các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết khi các hồ chứa thủy điện vận hành, điều tiết nước về hạ du sông Vu Gia…