Quảng Ngãi: Bảo tồn đồng muối truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng

Tỉnh Quảng Ngãi mong muốn bảo tồn đồng muối truyền thống, phát huy văn hóa Sa Huỳnh và phát triển du lịch cộng đồng tại phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ.

Mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn vừa có quyết định phê duyệt Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật “Bảo tồn đồng muối truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ - Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP) tài trợ.

Theo đó, tổng mức đầu tư thực hiện dự án gần 2 tỷ đồng, được tài trợ từ Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc, Chương trình tài trợ các án nhỏ - Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP/GEF-SGP); Hội Nông dân phường Phổ Thạnh làm chủ dự án; thời gian thực hiện từ tháng 5/2024 đến hết tháng 10/2025.

Cánh đồng muối Sa Huỳnh là vựa muối lớn nhất miền Trung.

Cánh đồng muối Sa Huỳnh là vựa muối lớn nhất miền Trung.

Mục tiêu của dự án là bảo tồn đồng muối truyền thống, phát huy văn hóa Sa Huỳnh và phát triển du lịch cộng đồng. Cụ thể, nâng cao nhận thức của người dân để bảo tồn đồng muối, ảnh hưởng của rác, tầm quan trọng của hệ sinh thái cây ngập mặn; phát triển muối truyền thống Sa Huỳnh trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái ngập mặn; đưa Sa Huỳnh trở thành điểm đến trải nghiệm nghề muối, điểm du lịch học tập cộng đồng kết nối văn hóa Sa Huỳnh với các hệ sinh thái.

Đáng chú ý, trong phần việc triển khai của dự án có hoạt động đăng ký chứng nhận OCOP 3-4 sao Du lịch muối Sa Huỳnh. Để hoàn thành mục tiêu này, đơn vị chủ dự án sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành trong chính sách hỗ trợ OCOP cho du lịch cộng đồng gắn với đồng muối Sa Huỳnh.

Phát triển du lịch cộng đồng bằng cách xây dựng mô hình homestay lối sống thân thiện môi trường, giảm thiểu và không dùng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần; nông nghiệp thân thiện không dùng thuốc trừ sâu, phân hóa học; bảo tồn biển, phục hồi rừng ngập mặn, đồi giữ nước; trong vườn của homestay có thể nhìn thấy được chim, bướm, côn trùng.

Ngoài ra, khảo sát và chọn các địa điểm đẹp, ấn tượng, độc đáo để quảng bá điểm đến check-in; giới thiệu các điểm tham quan, di tích lịch sử, làng nghề trên bảng đồ du lịch Sa Huỳnh… tạo điểm nhấn và check-in cho du khách khi đến nơi đây.

Theo các nhà sử học, nghề muối Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) được hình thành từ thế kỷ 19 và được tiếp nối qua các thế hệ, gìn giữ đến ngày nay, trở thành nghề truyền thống đặc trưng của cư dân Sa Huỳnh.

Có diện tích khoảng 105 ha, đồng muối Sa Huỳnh là vựa muối lớn nhất miền Trung, tạo sinh kế cho hơn 500 diêm dân thuộc 3 tổ dân phố: Tân Diêm, Thạch Đức 1 và Long Thạnh 1 với sản lượng cung cấp cho thị trường từ 6.000 – 6.500 tấn muối/năm.

Hiện nay, nghề muối đã xây dựng được thương hiệu, có nguồn lao động dồi dào, diêm dân Sa Huỳnh cần cù, chịu khó. Hệ thống hạ tầng phục vụ đồng muối như đê biển, đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước… được đầu tư xây dựng cơ bản.

Hạ Vĩ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-ngai-bao-ton-dong-muoi-truyen-thong-gan-voi-phat-trien-du-lich-cong-dong-322825.html