Quảng Ngãi bắt đầu khô, khát

Xã Phổ Cường là một trong những khu vực bị hạn nặng nề nhất của thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi. Theo người dân, đây là năm khốc liệt nhất mà họ từng chứng kiến. Toàn xã đã có khoảng 700 ha đất sản xuất nông nghiệp không thể canh tác, phải bỏ hoang.

Xã Phổ Cường là một trong những khu vực bị hạn nặng nề nhất của thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi. Theo người dân, đây là năm khốc liệt nhất mà họ từng chứng kiến. Toàn xã đã có khoảng 700 ha đất sản xuất nông nghiệp không thể canh tác, phải bỏ hoang.

Khai thác nước ngầm ở huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Báo Quảng Ngãi

Khai thác nước ngầm ở huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Báo Quảng Ngãi

Trên toàn xã Phổ Cường, chỉ duy nhất xứ đồng ven đầm và đầm Lâm Bình, thuộc thôn Lâm Bình là còn sản xuất được. Tuy nhiên, do thiếu trầm trọng nguồn nước tưới, 400ha lúa có nguy cơ chết khô, trong đó có khoảng 150ha đang làm đòng, ngậm sữa.

6.670 ha diện tích cây trồng có khả năng bị hạn nặng

Chính quyền xã đã triển khai nhiều giải pháp tạm thời để cứu vãn tình thế. Ông Võ Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường cho biết, xã đã chỉ đạo người dân khơi thông các tuyến kênh, mương để dẫn nước từ Ao Vuông về ruộng, đồng thời, xin nước từ hồ chứa nước Liệt Sơn (xã Phổ Hòa) để bổ sung. Thế nhưng, đơn vị quản lý hồ chứa nước Liệt Sơn chỉ đồng ý xả nước trong 3 ngày (ít hơn 7-12 ngày theo đề nghị của xã) nên khả năng chỉ cứu được chừng 50-60 ha.

Tại xã Tịnh Long, thành phố Quảng Ngãi, mực nước ngầm hạ thấp nên xảy ra tình trạng xâm nhập mặn. Cánh đồng An Đạo nằm ven sông Trà, gần sát Cửa Đại thông ra biển là nơi bị ảnh hưởng nặng. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tịnh Long cho biết có khoảng 15 ha bị xâm nhập mặn. Xã đã khuyến cáo các hộ canh tác nên tưới ít lại, chia đều thời gian ra và tưới cầm chừng.

Ông Nguyễn Mậu Văn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đề nghị bà con chủ động chuyển đổi cơ cấu chuyển sang trồng các loại hoa màu ngắn ngày chịu hạn, trồng trên những vùng đất cao để rễ khỏi ăn sâu, khỏi bị nhiễm mặn, tiết kiệm nước. Sở yêu cầu các địa phương phải nhanh chóng sửa chữa kênh mương, cửa cấp hư hỏng để tránh thất thoát nguồn nước phục vụ vụ Hè - Thu sắp đến. Tỉnh đã xin Trung ương phân bổ nguồn kinh phí 150 tỷ đồng để phòng, chống hạn.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, hiện lượng nước tại 124 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, khoảng 6.670 ha diện tích cây trồng có khả năng bị hạn nặng, 7.450 người thiếu nước sinh hoạt và gần 9.000 vật nuôi thiếu nước uống.

Nguồn nước ngầm ở Lý Sơn bị đe dọa

Tại huyện đảo Lý Sơn, nhiều hộ dân đã tự khoan giếng khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép, dẫn đến tình trạng cạn kiệt các mạch nước ngầm. Tại mương nước ở cánh đồng Sũng của huyện đảo Lý Sơn, nhiều máy bơm nước chưa được cơ quan chức năng cấp phép đã được người dân "ngụy trang" bằng nhiều thùng xốp, cành cây để lén lút khai thác nguồn nước ngầm.

Ông Đặng Tấn Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, cơ quan chức năng huyện Lý Sơn đã phát hiện gần 20 giếng khoan do các hộ nông dân trồng hành tỏi lén lút khoan để khai thác nguồn nước ngầm. Nắng hạn kéo dài, thiếu nước tưới tiêu cho cây trồng chính là nguyên nhân của tình trạng này. Người dân thường lợi dụng ngày nghỉ, ban đêm để khoan giếng trái phép. Khi bị phát hiện họ sẵn sàng bỏ lại máy móc để rời khỏi hiện trường nhằm trốn tránh trách nhiệm, khiến cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề xử phạt.

Việc người dân tự ý khoan, đào giếng để tìm nguồn nước ngọt dẫn đến số lượng giếng nước ở Lý Sơn tăng nhanh. Nếu năm 2014, toàn huyện đảo có 546 giếng thì đến cuối tháng 4-2020 đã tăng lên 2.100 giếng, khiến trữ lượng nước ngầm bị khai thác vượt mức cho phép. Trong khi đó, lượng nước được phép sử dụng theo khuyến cáo chỉ ở mức 16.000 m3/ngày nhưng hiện nay khai thác thực tế hơn 23.000 m3/ngày.

Ông Võ Thôn, người dân ở thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn cho biết: Mỗi năm nông dân Lý Sơn trồng 2 vụ hành, 1 vụ tỏi và một số cây trồng khác như ngô, lạc, vừng... Cây hành, tỏi phải thường xuyên tưới nước nếu không sẽ bị sâu bệnh hoặc chết nên nhu cầu nước ngọt phục vụ tưới tiêu là rất lớn. Những giếng nước cũ trước đây đã không còn cung cấp đủ nguồn nước phục vụ tưới tiêu nên người dân phải tự khoan giếng để tìm nguồn nước phục vụ sản xuất.

Để bảo vệ nguồn tài nguyên nước trên đảo, chính quyền địa phương đã tăng cường việc kiểm tra và xử phạt hành chính đối với các hộ dân tự ý khoan giếng trái phép. Từ giữa tháng 4 đến ngày 10-5, UBND huyện đảo Lý Sơn đã xử phạt và yêu cầu lấp 8 giếng khoan không phép. Để bảo vệ nguồn nước ngầm đang suy kiệt mạnh và ngăn nạn xâm nhập mặn, chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp căn cơ hơn.

ĐINH HƯƠNG – VINH TRỌNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_224791_quang-ngai-bat-dau-kho-khat.aspx