Quảng Ngãi cần sớm khắc phục tình trạng khan hiếm cát xây dựng
Quảng Ngãi là địa phương có trữ lượng cát xây dựng khá dồi dào, tuy nhiên trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 3 mỏ cát với trữ lượng ít hơn 93 nghìn m3/năm còn hoạt động. Trong khi 12 mỏ cát với trữ lượng hơn 4 triệu m3 được tỉnh đưa ra đấu giá trong các năm 2022 và 2023 vẫn chưa được cấp quyền khai thác. Nguồn cung không đủ cầu khiến giá cát xây dựng tại nhiều địa phương trên địa bàn tăng 'phi mã' gây khó khăn cho các đơn vị thi công công trình cũng như nhu cầu cát xây dựng của người dân.
Tại huyện Lý Sơn, giá cát xây dựng được đẩy lên cao với mức 700.000 đồng/m3. Lãnh đạo huyện Lý Sơn cho biết, trước đây giá cát từ đất liền ra đảo Lý Sơn dao động từ 300-400.000 đồng/m3 (bao gồm chi phí vận chuyển từ đất liền ra đảo). Hiện giá cát đã tăng gấp đôi khiến chủ thầu xây dựng các công trình trên địa bàn huyện và người dân có nhu cầu xây dựng nhà ở gặp rất nhiều khó khăn. Song hiện tại nguồn cung rất khan hiếm.
Ông Trần Đình Xem, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng và dịch vụ vận tải Biển Đông cho biết, đang xây dựng 2 công trình trên đảo Lý Sơn, khoảng một tháng trở lại đây giá cát xây dựng từ đất liền ra đảo rất cao, mức bán lẻ cho người dân 550.000 đồng/m3, mức bán cho công trình còn cao hơn 700.000 đồng/m3. Giá cát tăng đột biến đang đẩy nhà thầu vào cảnh khó khăn. Hiện các công trình do công ty xây dựng ưu tiên triển khai trước ở những hạng mục cần ít cát xây, chờ giá cát hạ nhiệt. Tại các địa phương miền núi của Quảng Ngãi giá cát xây dựng cũng đang bị đẩy lên mức cao 500.000 đồng/m3. Không chỉ các công trình đầu tư công, người dân có nhu cầu mua cát cũng không mua được khi nguồn cung cạn kiệt và giá cả quá cao.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có 3 mỏ cát giấy phép khai thác vẫn còn hiệu lực là mỏ cát thôn Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức; mỏ cát thôn Bình Thanh, xã Trà Bình và mỏ cát thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã tổ chức đấu giá thành công 12 mỏ cát ở khu vực chưa có kết quả thăm dò, với trữ lượng dự báo gần 4 triệu m3. Trong đó, có 5 mỏ cát đấu giá trong năm 2022 và 7 mỏ cát đấu giá trong năm 2023. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cấp phép thăm dò đối với 5 mỏ cát đấu giá thành công trong năm 2022 trên địa bàn huyện Nghĩa Hành, huyện Sơn Hà và huyện Ba Tơ. Đối với 7 mỏ cát đấu giá thành công trong năm 2023, trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi, huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và huyện Trà Bồng. UBND tỉnh đã có quyết định cấp phép thăm dò đối với 3/5 hồ sơ đề nghị.
Ông Nguyễn Đức Trung, quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi cho biết, quy trình cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng và cấp phép khai thác đối với các mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường sau khi trúng đấu giá quyền khai thác kéo dài và phụ thuộc vào thời gian hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục của đơn vị trúng đấu giá. Hiện tại, Sở đã thực hiện rút ngắn quy trình thời gian thẩm định sớm nhất có thể, tuy nhiên thời gian qua, nhiều đơn vị sau khi trúng đấu giá vẫn chậm hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục theo quy định nhưng không có chế tài xử lý.
Phó Chủ tịch UBD tỉnh Quảng Ngãi, Trần Phước Hiền cho biết, thời gian qua, việc tổ chức đấu giá các mỏ cát trên địa bàn tỉnh là công khai, minh bạch, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Nguồn cát phục vụ thi công các công trình trọng điểm, quan trọng của tỉnh được đảm bảo, một số dự án trọng điểm tỉnh đã quy hoạch các mỏ cát dành riêng theo cơ chế chỉ định. Để khắc phục tình trạng khan hiếm cát xây dựng, trước mắt, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị trúng đấu giá các mỏ khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để sớm tham mưu UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác 5 mỏ cát đã cơ bản đảm bảo các điều kiện quy định để đưa vào khai thác phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, để việc khai thác cát trong thời gian tới dần đi vào nề nếp, minh bạch, chặt chẽ hơn, UBND tỉnh yêu cầu xây dựng phương án quản lý, giám sát chặt chẽ việc tổ chức khai thác của đơn vị trúng đấu giá tại các mỏ cát thông qua việc lắp đặt hệ thống camera theo dõi, hình ảnh dữ liệu từ mỏ cát sẽ được kết nối trực tiếp 24/24 giờ với các cơ quan chức năng như Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Cơ quan thuế, UBND huyện, thị xã, thành phố và Tổ giám sát cộng đồng của địa phương nơi có mỏ cát để kiểm soát chặt chẽ đầu ra.