Quảng Ngãi cần ưu tiên ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao

Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 18/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi.

Năm 2022, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, thiên tai và biến đổi khí hậu nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi đã đoàn kết, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, triển khai quyết liệt, linh hoạt các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả tích cực.

Tỉnh đã thực hiện đạt và vượt 25/25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó 14 chỉ tiêu vượt kế hoạch. GRDP tăng 8,08%, trong đó công nghiệp tăng 6,8%, nông nghiệp tăng 2%; quy mô kinh tế 121.668 tỷ đồng (xếp thứ 4/14 vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung), GRDP bình quân đạt 97,67 triệu đồng/người.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 23,8%; xuất khẩu đạt 2,158 tỷ USD; khách du lịch đạt 900 nghìn lượt. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 50%. Thu ngân sách nhà nước đạt 34.167 tỷ đồng (cao nhất từ trước tới nay), tăng 44,7% so dự toán; đặc biệt, đã bố trí nguồn để xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản các năm trước. Cải cách hành chính được đẩy mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh (năm 2021, chỉ số PAR Index tăng 24 bậc; chỉ số PAPI tăng 17 bậc).

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Quảng Ngãi còn một số tồn tại, hạn chế như: Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước còn phụ thuộc nhiều vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Công nghiệp phụ thuộc nhiều vào lọc hóa dầu và sản xuất thép; công nghiệp ngoài dầu tăng chậm. Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng thấp; đầu ra cho nông sản còn khó khăn...

Hạ tầng kinh tế - xã hội còn hạn chế, hạ tầng giao thông, đô thị chưa đồng bộ; chưa có các dự án lớn có tính kết nối tạo động lực. Thứ hạng về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh ở nhóm dưới (năm 2021: Par Index thứ 39/63, PAPI thứ 43/63, PCI thứ 45/63). Đời sống của một bộ phận người còn khó khăn, nhất là khu vực nông thôn, miền núi; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn cao (7,96%).

Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi nêu rõ, trong thời gian tới tỉnh Quảng Ngãi cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn...; nâng cao hiệu quả khu kinh tế, khu công nghiệp.

Cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao

Cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao

Tập trung xây dựng và phát triển Khu kinh tế Dung Quất theo điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 và Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi giai đoạn 2 (chú trọng công nghệ cao) để tạo động lực phát triển mới trong giai đoạn tới.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy tham gia nhanh vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Phát triển đồng bộ hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông; đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công tư, xây dựng cơ chế chính sách để tăng cường huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục rà soát lại kế hoạch đầu tư công, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún, chia cắt.

Cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối, hội nhập quốc tế, xây dựng thương hiệu, khả năng cạnh tranh cao. Phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, điều kiện tự nhiên, trọng tâm là du lịch biển, đảo, nhất là đảo Lý Sơn. Chú trọng liên kết tạo chuỗi giá trị giữa du lịch với các ngành, lĩnh vực khác. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại như vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin.

Về kiến nghị của tỉnh Quảng Ngãi trong việc giao Bộ Công Thương chủ trì triển khai xây dựng Đề án thành lập Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan, các địa phương (Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nghiên cứu, xây dựng Đề án hình thành Trung tâm lọc hóa dầu với các cơ chế, chính sách phù hợp tại ba miền Bắc - Trung - Nam; trong đó có Đề án Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị.

Hạ Vĩ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-ngai-can-uu-tien-nganh-che-bien-che-tao-cong-nghiep-cong-nghe-cao-240678.html