Kon Tum xảy ra thêm 4 trận động đất, Quảng Ngãi chỉ đạo hỏa tốc ứng phó

Tính đến chiều 30-7, trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra 4 trận động đất trong ngày với các cường độ khác nhau. Cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn hỏa tốc gửi các sở ngành, địa phương chủ động ứng phó với tình hình động đất.

Trận động đất gần nhất được ghi nhận xảy ra lúc 16 giờ 28 phút 50 giây, có độ lớn 2.8, xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.924 độ vĩ Bắc, 108.190 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km, rủi ro thiên tai cấp 0.

Vết nứt trên tường xây xuất hiện sau trận động đất có độ lớn 5.0 ngày 28-7

Vết nứt trên tường xây xuất hiện sau trận động đất có độ lớn 5.0 ngày 28-7

Trận động đất đầu tiên trong ngày được ghi nhận lúc 6 giờ 51 phút 28 giây, có độ lớn 2.5. Sau đó, khu vực này xảy ra rải rác 2 trận động đất có độ lớn lần lượt là 2.7 và 3.1.

So với ngày 28-7 (21 trận) và 29-7 (25 trận), hôm nay số lượng các trận động đất đã giảm rất nhiều. Trong đó, trận động đất có độ lớn 5.0 xảy ra trưa 28-7, là trận động đất lớn nhất từ trước tới nay được ghi nhận trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Như Báo Người Lao Động đưa tin, trưa 28-7, một trận động đất mạnh làm rung chuyển nhiều tỉnh như Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam

Theo Viện Vật lý địa cầu, nguyên nhân gây ra động đất ở khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) là động đất kích thích. Cụ thể là do các hồ chứa thủy điện nằm trong vùng. Việc tích nước của các hồ chứa này khả năng là nguyên nhân gây ra các trận động đất vừa qua.

Nhiều khu vực ở huyện Sơn Tây, Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) là nơi tích nước của một số dự án thủy điện lớn như Thủy điện Đăk Đrinh – thủy điện có dung tích hồ chứa 248 triệu m3; hồ chứa nước Nước Trong - có dung tích 290 triệu m3…

Quảng Ngãi chỉ đạo hỏa tốc ứng phó với động đất

Ngày 30-7, UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn hỏa tốc gửi các sở ngành, địa phương chủ động ứng phó với tình hình động đất trong thời gian qua.

Theo Viện Vật lý địa cầu, trong các ngày 28 và 29-7 đã liên tục xảy ra nhiều trận động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum (địa phương giáp ranh với tỉnh Quảng Ngãi), trong đó có trận động đất xảy ra lúc 11 giờ 35 phút ngày 28-7 với cường độ 5.0 độ Richter, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 ở khu vực tâm chấn và vùng lân cận.

Đây là trận động đất có cường độ lớn nhất quan trắc được từ năm 1903 tới nay tại khu vực.

Nhà một người dân ở huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) được cho bị nứt do trận động đất xảy ra trưa 28-7

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, dư chấn của động đất này đã gây rung lắc trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, ảnh hưởng đến tâm lý người dân, nhất là người dân tại các huyện miền núi gần khu vực tâm chấn như Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, chủ động khắc phục hậu quả động đất, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương thông tin kịp thời về động đất và dư chấn; hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho người dân trong vùng ảnh hưởng, tránh tâm lý hoang mang.

Các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở khẩn trương kiểm tra, nắm tình hình, đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến công trình nhà ở của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn…

Chủ động tổ chức sơ tán, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ dân bị hư hại; các đơn vị quản lý, chủ công trình theo dõi chặt chẽ công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông nhằm chủ động phát hiện biểu hiện nguy hiểm đến an toàn công trình để xử lý, ứng phó…

Tử Trực - Hoàng Thanh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/quang-ngai-chi-dao-hoa-toc-ung-pho-voi-dong-dat-196240730173019513.htm