Quảng Ngãi: Chính quyền thành phố nên xem xét hỗ trợ xóa nhà tạm cho cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn
Trong cơn mưa nặng hạt, ngôi nhà của Cựu chiến binh Võ Thiên (SN 1947) ở thôn Tân Mỹ, xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi trở thành 'giàn đồng ca', vì mưa dột xuống xô, chậu đặt khắp nhà. Trong ngôi nhà xập xệ chẳng có gì có giá trị và chẳng có chỗ nào khô để nằm.
Ông Thiên đứng thẩn thờ bên căn nhà dột nát.
Ông Thiên có hoàn cảnh rất khó khăn, vợ bị bệnh hiểm nghèo qua đời năm 2013, hiện nay ông Thiên sống với người con trai (36 tuổi) bị tàn tật, câm điếc.
Trong trận Mậu Thân năm 1968, ông Thiên bị bắt, phải trải qua 4 nhà tù trước khi bị đưa ra nhà tù Côn Đảo, chịu cực hình suốt 4 năm 7 tháng.
Vết thương từ những trận tra tấn khiến người cựu chiến binh này đau nhói trong cơ thể mỗi khi trở trời. Hiện nay tuổi đã xế chiều (72 tuổi) nhìn ngôi nhà dột nát, không có nơi ẩn nấp cho người cha già và người con trai tàn tật, câm điếc khi mùa mưa bão đang đến gần. Ông Thiên càng đau nhói hơn cả vết thương lúc bị tù đày.
Căn nhà ông Trần Hùng được Quân khu 5 hỗ trợ 80 triệu đồng.
Tuy nhiên, ngôi nhà của ông Trần Hùng khá vững chãi, nhà có gác lửng, gia đình khá giả, nhưng lại được UBND xã Nghĩa An xét duyệt để Quân khu 5 về trao cho 80 triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa. Ngôi nhà tình nghĩa được thiết kế 2 tầng, xây dựng kiên cố, ước tính trị giá hàng trăm triệu đồng.
Đảng viên và nhân dân ở thôn Tân Mỹ, xã Nghĩa An, bày tỏ sự tức giận vì ngôi nhà 2 tầng xây dựng kiên cố sẽ được gắn bảng Nhà tình nghĩa và nhân thân của ngôi nhà này được đánh giá là không có công lao đặc biệt, không quá khó khăn về kinh tế.
Ông Thiên nhiều lần viết đơn lên chính quyền địa phương nêu khó khăn về nhà ở nhưng không được quan tâm.
Trao đổi với PV ông Thiên cho biết, bản thân đã nộp đơn xin được xét duyệt hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà đã lâu nhưng không được địa phương quan tâm. Nếu xét nhân thân, ông là người thực sự có đóng góp cho sự nghiệp giải phóng đất nước và đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương cao quý. Trong khi ông Trần Hùng thì gần như không có gì nổi bật. Trong chiến tranh có thời gian ông Hùng di tản vào miền Nam tránh bom đạn, làm nghề y. Việc xác nhận ông Hùng là đối tượng bị tù đày chính trị thì thực sự ông không biết rõ thời gian ông Hùng hoạt động ở địa phương như thế nào; có nhiều thông tin về việc sau giải phóng thì ông Hùng bị bắt vì liên quan đến vụ việc đưa người trốn đi nước ngoài (ông Thiên nói).
Ông Nguyễn Minh Anh, Hội trưởng Ban chấp hành Hội tù yêu nước xã Nghĩa An bức xúc nói; sau giải phóng, ông Hùng là người liên quan vụ việc đưa người trốn đi nước ngoài và bị Công an tỉnh Khánh Hòa bắt, tạm giữ hình sự 1 năm. Điều kiện kinh tế của ông Hùng không khó khăn, thậm chí là khá giả, gia đình có nhiều đất đai dọc ven biển. Chi bộ, Đảng viên và Hội tù yêu nước bất ngờ khi vừa qua được địa phương mời đến dự và chứng kiến trao tiền xây dựng nhà tình nghĩa. Người dân địa phương cho đến cán bộ Đảng viên đều tỏ ý tức giận và không đồng tình.
Trong căn nhà của ông Thiên toàn thau, chậu để hứng nước mưa.
Ông Lê Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An cho biết, bản thân mới được cấp trên điều động từ xã Nghĩa Phú sang xã Nghĩa An công tác nên không nắm rõ việc xét hồ sơ như thế nào. Ông Tùng cho biết sẽ chỉ đạo xác minh.
Bà Võ Thị Lệ Thu, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An xác nhận, việc tham mưu cho Quân khu 5 trao tiền xây dựng nhà cho ông Hùng thì địa phương có tổ chức xét duyệt. Còn việc ông Hùng có bị tù hình sự sau giải phóng hay không thì bà thuộc tầng lớp trẻ nên không nắm rõ, nhưng hiện tại thì ông Hùng vẫn đang hưởng chế độ bị bắt, tù đầy nên xét cho hưởng nhà tình nghĩa cũng không sai.
Báo Nhà báo và Công luận tiếp tục thông tin