Quảng Ngãi: Chủ động phòng chống, kiểm soát dịch tả lợn châu Phi
Dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, làm ảnh hưởng ngành chăn nuôi và nguồn cung thực phẩm của tỉnh Quảng Ngãi.
Nhiều địa phương xuất hiện dịch
Trong 2 ngày 11 - 12/11, đàn lợn tại một trang thuộc thôn Gỗ (xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng) xuất hiện những dấu hiệu bất thường, đặc trưng của dịch tả lợn châu Phi.
Sau đó, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, tổ chức tiêu hủy 148 con lợn. Đáng chú ý, đây là ổ dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại địa phương sau nhiều tháng không ghi nhận trường hợp nào.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu năm 2023 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã và đang xảy ra tại 19 cơ sở chăn nuôi của 17 thôn thuộc 13 xã, phường, thị trấn tại 3 huyện: Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Trà Bồng với tổng số lợn chết hơn 250 con, làm thiệt hại kinh tế của nhiều hộ gia đình.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Quang Trung cho rằng, có nhiều nguyên nhân làm dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan diện rộng. Trong đó, dịch bệnh chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng dịch.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, thiếu giám sát, đôn đốc, kiểm tra và việc tổ chức thực hiện tại tuyến cơ sở chưa đạt hiệu quả.
Việc giám sát, phát hiện sớm và báo cáo ổ dịch tại một địa phương chưa thực hiện nghiêm tức hoặc chậm báo cáo. Thời tiết thay đổi trong thời gian gần đây tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển lây lan.
Nhận định của cơ quan chức năng, dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới, làm ảnh hưởng ngành chăn nuôi và nguồn cung thực phẩm của tỉnh.
Để chủ động phòng chống, kiểm soát dịch tả lợn châu Phi kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu tổn thất về kinh tế cho người chăn nuôi và bảo đảm nguồn thực phẩm thịt lợn trong thời gian tới, nhất là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 theo đúng chỉ đạo của Thủ tượng Chính phủ, Sở NN-PTNT cũng đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương các biện pháp phòng chống.
Trong đó, chủ yếu là tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Khẩn trương, rà soát, tiêm vaccine phòng dịch tả lợn cổ điển, dịch tả lợn châu Phi, đảm bảo tỷ lệ đạt trên 80% diện tiêm.
Kiểm soát chặt chẽ vận chuyển, buôn bán lợn để nuôi thương phẩm và lợn giết mổ; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm lợn bất hợp pháp. Tăng cường tuyên truyền, thông tin sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh này.
Cẩn trọng với mưa lũ
Ngoài dịch tả lợn châu Phi, từ đầu năm 2023 đến nay, các loại bệnh cúm gia cầm (A/H5N1), viêm da nổi cục trên trâu bò, và bệnh lở mồm long móng cũng xuất hiện, làm cho 3.200 con gia cầm và hàng trăm con gia súc của tỉnh Quảng Ngãi mắc bệnh, bị chết và tiêu hủy.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ngãi, hiện đang là mùa mưa, thời gian qua nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh xuất hiện lũ, ngập úng, làm cho mầm bệnh theo dòng nước lan đi khắp nơi.
Lũ lụt càng lớn, quy mô càng rộng thì sự lan truyền mầm bệnh càng tăng, mức độ nguy hiểm càng cao. Nếu như công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh tẩy uế chuồng trại không được thực hiện tốt sẽ làm suy giảm sức chống chịu bệnh tật ở vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh lây lan và bùng phát.
“Chúng tôi khuyến cáo người chăn nuôi thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết, tích cực chăm sóc đàn vật nuôi để tăng khả năng chống chịu và có biện pháp khắc phục hiệu quả khi mưa bão, lũ lụt hoặc dịch bệnh xảy”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ngãi Đỗ Văn Chung cho hay.
Cụ thể, đối với những khu vực xảy ra lũ, khi nước rút phải thực hiện vệ sinh, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất và tiêu độc khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng. Chính quyền và các cơ quan chuyên môn tổ chức tổng dọn vệ sinh, thu gom xác động vật chết để xử lý, sát trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị lũ, ngập, để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Đồng thời, triển khai tiêm phòng định kỳ đến từng thôn, xóm, hộ chăn nuôi.
Vật nuôi cần được chăm nuôi chu đáo, không bị bỏ đói, không cho ăn những loại thức ăn đã ẩm mốc, kém chất lượng. Đối với gia súc già yếu và gia súc non cần có chế độ chăm sóc đặc biệt, tăng cường các loại thức ăn bổ sung và các loại thức ăn giàu dinh dưỡng.