Quảng Ngãi: Đảm bảo an toàn các công trình thủy điện
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về công tác quản lý thủy điện, an toàn hồ đập, thời gian qua, Sở Công Thương Quảng Ngãi đã phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức nhiều đợt kiểm tra các công trình thủy điện.
Trong thời gian từ tháng 1/2019 đến nay, nhằm tiếp tục khai thác tiềm năng thủy điện để phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Quảng Ngãi, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cho phép các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, đề xuất đầu tư các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh trên cơ sở điều chỉnh hợp lý từ các dự án thủy điện trước đây đã loại khỏi quy hoạch và nghiên cứu bổ sung nhiều dự án mới.
Theo báo cáo kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, hiện Quảng Ngãi có 08 dự án thủy điện đã hoàn thành, đưa vào vận hành với tổng công suất 279,9 MW gồm: Thủy điện Cà Đú 2,6 MW, Thủy điện Hà Nang 11 MW, (huyện Trà Bồng); Thủy điện Sông Riềng 3 MW (huyện Tây Trà); Thủy điện Nước Trong (thủy lợi kết hợp thủy điện) 16,5MW (huyện Sơn Hà); Thủy điện Đakrinh 125 MW, Thủy điện Huy Măng 1,8 MW ( Sơn Tây); Thủy điện Sơn Trà 1A, B 60 MW, (Sơn Hà và Sơn Tây); Riêng dự án thủy điện Đăk Re – 60 MW đã vận hành phát điện vào tháng 7/2019.
Về tình hình thực hiện quy định của pháp luật trong quản lý, vận hành của các Chủ đầu tư thủy điện trên địa bàn ông Nguyễn Đức Huy- Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ngãi cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Quảng Ngãi, Sở Công Thương Quảng Ngãi đã yêu cầu các chủ đập phải thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý an toàn đập theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; Thông tư số 09/2019/TT-BCT ngày 08/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
“Hàng năm, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành và địa phương có liên quan tổ chức Đoàn kiểm tra công tác quản lý vận hành Nhà máy thủy điện và quản lý an toàn đập trên địa bàn tỉnh. Qua kết quả kiểm tra, nhìn chung về cơ bản các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về quản lý vận hành Nhà máy thủy điện và quản lý an toàn đập“- ông Huy thông tin.
Tuy nhiên, bên cạnh các chủ đập thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thì cũng có chủ đập chưa thực hiện nghiêm túc, chưa thực hiện việc lập, phê duyệt phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó tình huống khẩn cấp đập, hồ chứa trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Đối với công tác xây dựng và thực hiện quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, hiện có 06/06 công trình thủy điện đang vận hành, khai thác đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh ban hành Quy trình vận hành hồ chứa.
Đáng chú ý, 04/06 công trình thủy điện còn lại đang vận hành, nhiệm vụ chính là phát điện, ngoài khả năng đảm bảo phòng chống lũ cho công trình trong mùa lũ, thì không có khả năng phòng chống lũ cho hạ du, hay gây lũ cho hạ du. Vì hồ chứa của các công trình thủy điện này có dung tích nhỏ, không có khả năng điều tiết nước, vào mùa lũ khi lưu lượng dòng chảy của sông, suối lớn hơn lưu lượng phát điện thì nước sẽ tràn tự do qua đập tràn tự do nên không làm gia tăng nhiều về lưu lượng và đỉnh lũ đối với vùng hạ du. Qua công tác kiểm tra các nhà máy thủy điện về cơ bản đã thực hiện tốt việc vận hành phát điện; tuân thủ quy trình, quy định hiện hành về vận hành hồ chứa trong mùa lũ.
Theo đại diện Sở Công Thương Quảng Ngãi, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: chênh lệch mức chi trả cho một hecta rừng giữa các lưu vực; vấn đề tuyên truyền, nâng cao nhận thức chưa được cải thiện và thực hiện chưa thường xuyên … ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường (DVMTR) trên địa bàn tỉnh. Đối với Nhà máy thủy điện có lưu vực liên tỉnh, nguồn thu ủy thác tiền DVMTR hàng năm do Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam điều phối cho các tỉnh theo tỷ lệ diện tích rừng hiện có trong lưu vực nên việc điều phối thường xuyên chậm trễ làm ảnh hưởng đến việc chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng.