Quảng Ngãi đầu tư mạnh hạ tầng giao thông giúp miền núi bứt phá
Hàng trăm km đường giao thông ở các huyện miền núi Quảng Ngãi được đầu tư cứng hóa đã và đang mở ra hành trình mới trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo nơi rẻo cao.
Những cung đường mở ra tương lai
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thôn Trung, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư cứng hóa. Đi dọc quanh thôn Trung không khó để nhận diện diện mạo địa phương thay da đổi thịt một cách rõ nét.
Ngoài xây dựng đường giao thông, người dân cũng đầu tư xây dựng tường rào, cổng ngõ, trồng hoa hai bên... từ đó góp phần nâng tầm quê hương.
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, trước kia, tuyến đường nội thôn này là đường đất nhỏ hẹp nên khó đi lại. Ngay khi có chủ trương Nhà nước hỗ trợ bê tông hóa, người dân nơi đây hiểu được chính sách đúng đắn của Nhà nước cũng như những lợi ích mình được hưởng, nhiều người đã tự nguyện hiến đất mở đường.
Chị Hồ Thị Sự (thôn Trung, xã Trà Sơn) cho biết: Dù thời điểm đó, mảnh đất của gia đình có nhiều cây quế đang thời kỳ thu hoạch. Nhưng vì lợi ích chung, nên tôi hiến 600m2 đất trồng cây lâu năm để mở rộng đường. Đường thôn nay rộng, sạch đẹp, ai cũng vui mừng.
Để có được tuyến đường bê tông rộng rãi, sạch đẹp này, chính quyền thôn Trung đã vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền; vận động để cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức rõ về vai trò của mình và lợi ích trong công cuộc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua đó, khơi dậy tinh thần tự giác, tự nguyện của nhân dân trong việc hiến đất, góp công, góp của xây dựng đường giao thông nông thôn.
Nhờ làm tốt công tác định hướng, tuyên truyền và phân bổ, lồng ghép các chương trình nên đến nay 100% đường giao thông từ huyện về trung tâm xã được nhựa hóa; 92,4% tuyến từ xã về thôn được bê tông theo chuẩn nông thôn mới.
Huyện Trà Bồng hiện có 3 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, 1 xã đạt 18 tiêu chí nông thôn mới... Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Hoàng Vĩnh chia sẻ, nguồn vốn xây dựng NTM đã góp phần làm đổi thay diện mạo hạ tầng cũng như cuộc sống người dân các xã trên địa bàn huyện, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế...
Tại huyện Ba Tơ, bao đời nay người dân xã Ba Lế luôn bị cô lập mỗi khi lũ lớn. Nhưng nay, cầu vượt lũ suối Nước Lếch đã xóa đi bao cách trở.
Già làng Phạm Văn Lê, thôn Làng Tốt, xã Ba Lế (Ba Tơ) hạnh phúc nói: Bao năm qua, cứ đến mùa mưa là cả thôn chúng tôi bị cô lập bởi suối Nước Lếch, khiến việc đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn, nhất là những lúc ốm đau. Giao thông cách trở, nên để theo đuổi giấc mơ con chữ, cứ đến mùa mưa, con em địa phương phải đi ở nhờ nhà của người dân thôn khác, thì mới đến được trường.
"Nay hết cảnh chia cách rồi, bà con chúng tôi mừng lắm. Từ nay đi lại nắng cũng như mưa không lo nước lũ cuốn trôi nữa", già Lê tâm sự.
Bên cạnh công trình cầu vượt lũ Nước Lếch dài gần 60m, huyện Ba Tơ còn đầu tư tuyến đường giao thông hai đầu cầu khoảng 4,5km, thay cho tuyến đường đất trước đây. Công trình có tổng vốn đầu tư khoảng 40 tỷ đồng này đã giải quyết được niềm mong mỏi của nhiều thế hệ người dân Làng Tốt, giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân trở nên thuận tiện, mở ra cơ hội phát triển mới cho địa phương.
Ngoài cầu Nước Lếch, những năm qua huyện Ba Tơ còn đầu tư xây dựng hàng chục tuyến đường và các công trình giao thông nông thôn khác, từ đó tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn kết nối vùng khó với trung tâm các xã. Tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương phát triển, cứu nạn cứu hộ.
Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Giang Nam, thời gian qua, từ nguồn vốn của tỉnh và một phần kinh phí địa phương, huyện tập trung đầu tư nhiều công trình giao thông trọng điểm, nhằm phát triển hạ tầng giao thông thông suốt, đặc biệt là giao thông tại các vùng xa xôi, hẻo lánh, thường xuyên bị cô lập vào mùa mưa lũ.
Đây là những công trình mang tính động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực trung tâm huyện với các địa phương ở vùng sâu, vùng xa. Riêng dự án đường Ba Tơ đi thôn Cây Muối (xã Ba Trang) còn là công trình mang tính kết nối vùng, mở ra cơ hội giao thông thông suốt giữa huyện Ba Tơ với huyện An Lão (Bình Định).
Tiếp tục đầu tư cho miền núi
Xác định phát triển giao thông nông thôn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ngãi đã huy động nhiều nguồn lực, đặc biệt là khơi dậy được sức dân để mở rộng nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn.
Với sự nỗ lực trong công tác vận động của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, vai trò của nhân dân trong việc tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn được phát huy. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh Quảng Ngãi đã vận động nhân dân đóng góp gần 30.000 ngày công, gần 100 tỷ đồng và hiến trên hàng trăm nghìn m2 đất để xây dựng gần 300km đường bê tông nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 118 xã đạt tiêu chí về giao thông nông thôn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho biết, theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, toàn tỉnh có 7/13 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cấp xã có 120/148 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 53/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8/53 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, sự chung sức, đồng lòng của người dân là vô cùng quan trọng.
Sau hơn 10 năm tỉnh Quảng Ngãi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, còn có sự đồng lòng, đóng góp rất lớn của người dân địa phương.
Tuy vậy, hiện nay vẫn còn gần 30 xã chưa đạt tiêu chí về giao thông nông thôn, chủ yếu là các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa.
"Do đó, Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các hội, đoàn thể để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chủ động tham gia hiến đất mở rộng đường, đóng góp ngày công, góp của để các thôn, xã sớm đạt chuẩn về đường giao thông nông thôn.
Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng bền vững", ông Phương nhấn mạnh.