Quảng Ngãi đột phá từ chuyển đổi số
Lần đầu tiên chuyển đổi số của tỉnh Quảng Ngãi có bước tiến ấn tượng nhất trong 63 tỉnh, thành phố cả nước. Từ vị trí gần áp chót (60/63) năm 2021, sang 2022, chuyển đổi số tỉnh này vươn lên vị trí thứ 26/63, tăng trưởng 34 bậc.
Thôn Bắc An Bình (hay còn gọi Đảo Bé) huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có 150 hộ dân với khoảng 550 nhân khẩu. Đây là địa bàn cách trở với trung tâm huyện đảo Lý Sơn và thành phố Quảng Ngãi, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Từ đầu năm 2022, tỉnh Quảng Ngãi tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh chuyển đổi số. Theo đó, Tổ Công nghệ số cộng đồng thôn Bắc An Bình, huyện Lý Sơn “đi từng ngõ gõ từng nhà”, tuyên truyền người dân quen dần với các khái niệm về chuyển đổi số.
Đến nay, nhiều người dân ở đây đã dùng điện thoại thông minh quét mã QR để thanh toán tiền, đăng ký sử dụng bảo hiểm xã hội số VSSID và thực hiện nhiều thủ tục hành chính khác. Bà Nguyễn Thị Thành, người dân ở thôn Bắc An Bình, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ:“Ở Đảo Bé thì rất khó khăn không có ngân hàng cũng như không có thẻ để rút tiền. Có mã QR như thế này thì thuận tiện cho bà con, ví dụ khách có thể quét mã để chuyển tiền qua điện thoại. Khi khách không có điện thoại thì rất thuận tiện.”
Nghĩa Điền là xã đầu tiên ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi xây dựng thành công mô hình “chi trả không dùng tiền mặt” dành cho đối tượng nhận tiền trợ cấp xã hội. Hơn nửa năm qua, các thành viên trong Tổ công nghệ số cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động bà con sử dụng điện thoại thông minh, đăng ký tài khoản ngân hàng và đăng ký nhận tiền bảo trợ xã hội hàng tháng qua tài khoản. Phần lớn đối tượng trợ cấp xã hội là những người yếu thế, già cả nên việc sử dụng công nghệ rất khó khăn. Từng thành viên trong Tổ cố gắng hỗ trợ, hướng dẫn bà con cách nhận tiền qua tài khoản.
Bà Lê Thị Mỹ Nương, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa cho biết, cách làm này đã phát huy hiệu quả:“Xã đầu tiên thực hiện mô hình chi trả không dùng tiền mặt với đối tượng bảo trợ thì càng khó hơn. Tổ công nghệ số và cả hệ thống chính trị phải vận động tuyên truyền và giải thích những khúc mắc đối với những người bảo trợ. Ví dụ họ không dùng điện thoại thông minh và đi lại khó khăn mà bây giờ chuyển khoản thì sao rút tiền ra được. Địa phương giải quyết được các khúc mắc đó cho người dân thì họ đồng tình hưởng ứng. Giờ người dân rất ủng hộ mô hình này và người ta thấy rất thuận lợi.”
Nhớ lại giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022, việc chuyển đổi số ở tỉnh Quảng Ngãi rất trì trệ. Nhiều Chủ tịch UBND cấp xã/phường khoán trắng công việc này cho một Phó Chủ tịch UBND xã/phường. Xác định rõ yêu cầu cấp bách về chuyển đổi số, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành Chỉ thị số 19 yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng với công tác chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó, người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chủ trì, lãnh đạo thực hiện chuyển đổi số; Coi chuyển đổi số là “động lực” quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngay sau đó, HĐND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Nghị quyết với những quy định về thu phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Trong đó giảm 50% mức phí, lệ phí khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến. UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu các địa phương bố trí tối thiểu 0,5% tổng kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách dành cho thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, thể hiện sự quyết tâm rất lớn của người đứng đầu đối với công tác chuyển đổi số. Quảng Ngãi cũng là một trong những địa phương sớm kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh tập trung cải thiện các chỉ số còn thấp trong chuyển đổi số:“Một trong những định hướng rất rõ mà tỉnh phải quan tâm chỉ đạo trong thời gian sắp tới. Đó là tập trung vào những cái Quảng Ngãi còn yếu, cụ thể đó là những chỉ số còn thấp so với cả nước. Đó là vấn đề kinh tế số, các vấn đề liên quan đến hạ tầng. Tỉnh đã đề nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông có sự hỗ trợ cho tỉnh Quảng Ngãi để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh tốt hơn.”
Tỉnh Quảng Ngãi là một trong những địa phương sớm thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng đến cấp thôn, với hơn 1.000 tổ. Cuối năm 2022, dịch vụ công trực tuyến cấp xã gần như “trắng” thì đến thời điểm này, nhiều địa phương, dịch vụ công trực tuyến lên tới 80%. Đến nay, Quảng Ngãi trở thành một trong những tỉnh, thành phố có thứ hạng cao cả nước về thanh toán trực tuyến. Người dân ở Quảng Ngãi đã dần hình thành thói quen ứng dụng công nghệ số trong công việc hằng ngày.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/quang-ngai-dot-pha-tu-chuyen-doi-so-post1050700.vov