Quảng Ngãi: Giới thiệu công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh ra quốc tế
Theo kế hoạch, hồ sơ đệ trình lên UNESCO đề xuất công nhận công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh sẽ diễn ra cuối tháng 11/2019. Để có đầy đủ cơ sở hoàn thiện hồ sơ, Quảng Ngãi đang tích cực tranh thủ và lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế, chính quyền địa phương và người dân vùng dự án.
Sáng 18/6, UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế về giá trị Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, nhằm giới thiệu tổng quan về mô hình Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, chia sẻ một số kết quả điều tra, khảo sát về các giá trị di sản địa chất của Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, những phát hiện mới về nghiên cứu văn hóa khảo cổ Sa Huỳnh.
Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, trong đó có Tiến sĩ Ibrahim Komoo, Phó Chủ tịch Ban điều hành mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO; Tiến sĩ Guy Martini, Tổng thư ký Ban điều hành mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Tổng lãnh sự các nước: Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Pháp và Trung Quốc. Phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung - Chủ tịch Ủy ban UNESCO Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, đại diện các Bộ, ngành Trung ương...
Theo ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh được Quảng Ngãi xác định là giá trị cốt lõi mới để Quảng Ngãi phát triển theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Quảng Ngãi tích cực xúc tiến kế hoạch xây dựng Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.
Đến nay, nhờ sự hỗ trợ nhiệt thành và hiệu quả của các chuyên gia đến từ mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và các chuyên ga, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, công tác điều tra, khảo sát, nghiên cứu đã cơ bản hoàn thành; xác định các khu vực địa chất, văn hóa có giá trị, với quy mô công viên khoảng 2.000 km2 đất liền, chiếm 39% diện tích toàn tỉnh và 2.600 km2 măt nước biển, bao gồm toàn bộ chiều dài 130 km bờ biển.
“Quảng Ngãi cũng đã xúc tiến kế hoạch đưa vào khai thác, vận hành trên thực tế 04 tuyến du lịch công viên địa chất với khoảng 90 điểm địa chất có giá trị, cũng như phát triển mạng lưới đối tác trong phạm vi công viên; dần hoàn chỉnh hồ sơ và mong muốn được gia nhập vào mạng lưới Công vên địa chất UNESCO trong thời gian sớm nhất. Việc tổ chức Hội thảo hôm nay là minh chứng cho những nỗ lực và cam kết của tỉnh với mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO”, ông Lê Viết Chữ cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung thì tại Việt Nam, có 2 Công viên địa chất toàn cầu là Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang (được UNESCO công nhận 2010) và Non nước Cao Bằng (được UNESCO công nhận tháng 4/2018). Thứ trưởng cho rằng, việc tỉnh Quảng Ngãi nghiên cứu, xây dựng Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh từ năm 2015 cho thấy sự cam kết và tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh hướng tới mục tiêu xây dựng mô hình phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường, cảnh quan và đa dạng sinh học… Quảng Ngãi đã nỗ lực nghiên cứu, củng cố hồ sơ từ ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế, cho phép khẳng định các giá trị địa chất, địa mạo và văn hóa độc đáo, phong phú của Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.
Có thể nói, Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh có nhiều triển vọng để được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, việc chuẩn bị và đệ trình hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu là một quá trình phức tạp, với nhiều bước đi, thủ tục cụ thể, đòi hỏi những luận chứng khoa học vững chắc và sự chuẩn bị kỹ càng về nguồn lực và tài chính.
“Để kịp hoàn tất hồ sơ và đệ trình UNESCO trước ngày 30/11/2019 cần sự đồng lòng của chính quyền, địa phương, cộng đồng, các doanh nghiệp và các cơ quan liên quan đặc biệt là trong việc thực hiện những khuyến nghị của chuyên gia để xây dựng Công viên địa chất, bao gồm: lập kế hoạch hành động cho các tuyến du lịch; tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia; có giải pháp xử lý triệt để vấn đề rác thải; xây dựng mối quan hệ đối tác công - tư; xây dựng chiến lược phát triển cho các sản phẩm thủ công; duy tu, bảo dưỡng các cơ sở vật chất; xây dựng một bộ máy quản lý và nhân sự có năng lực và có kiến thức về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung lưu ý tỉnh Quảng Ngãi.